Mách bạn 09 mẹo giúp giảm đau khớp gối hiệu quả

Khớp gối là một trong những khớp phải chịu nhiều tác động nên rất dễ bị tổn thương và gây đau nhức. Việc đau nhức khớp gối thường xuyên sẽ gây cho bạn không ít phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày. Để giúp bạn giảm đau khớp gối an toàn mà hiệu quả, bài viết sau đây sẽ bật mí cho bạn 09 mẹo giảm đau mà nhiều người đã áp dụng thành công. Bạn đọc cùng theo dõi bài viết nhé!

Bạn đau khớp gối là do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn cơn bạn bị đau nhức khớp gối. Cụ thể là:

– Bạn đã gặp một số chấn thương như: gãy xương, đứt dây chằng, rách sụn chêm, viêm túi hoạt dịch quanh gối, viêm gân bánh chè, gân chân ngỗng. Mặc dù đã chưa khỏi, nhưng khi thời tiết thay đổi khiến bạn vẫn cảm thấy đau nhức.

– Bạn gặp vấn đề về cơ học: dị vật nội khớp (do viêm hoặc thoái hóa khớp gối làm cho sụn khớp bị bong ra và trở thành dị vật đối với khớp gối); hội chứng dải chậu chày (khi bạn vận động quá mức và thường xuyên co duỗi đầu gỗi); trật bánh chè; đau do khớp háng hoặc cổ chân.

– Hoặc có thể bạn đang mắc một số bệnh bệnh lý về viêm khớp như: Thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, viêm khớp nhiễm khuẩn,…

– Bên cạnh đó, một số nguy cơ rất dễ khiến bạn bị đau khớp gối như: thừa cân, béo phì; xơ cứng cơ hoặc yếu cơ; tập luyện một số bộ môn thể thao đặc thù,…

Những cơn đau nhức khớp gối nếu không được kiểm soát sẽ khiến bạn hạn chế phạm vi chuyển động, hay bực bội và khó chịu trong người. Lâu ngày sẽ dẫn đến những biến chứng xấu và nguy hiểm. Vậy làm thế nào để kiểm soát được chúng? Bạn đọc theo dõi sang phần tiếp theo của bài viết nhé.

Xem thêm: Nguyên nhân đau khớp gối trái hoặc phải

Mách bạn 9 mẹo giúp giảm đau nhức khớp gối tại nhà hiệu quả

1. Xây dựng chế độ ăn “chuẩn không cần chỉnh”

Ưu tiên bổ sung nhóm thực phẩm chứa nhiều omega-3 trong các loại các béo như: cá thu, cá hồi, cá ngừ,…

Nước hầm xương chứa nhiều glucosamin và chondroitin là những chất tự nhiên giúp bạn tăng cường sức khỏe của sụn khớp, làm chậm quá trình thoái hóa của sụn

Thường xuyên sử dụng các loại hạt như: óc chó, đậu nành, mác ca, hạt điều,… chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa, canxi giúp xương chắc khỏe, tăng sức đề kháng của cơ thể.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến các loại trái cây chứa Vitamin C và Bioflavonoids là “bộ đôi” có khả năng ngăn ngừa viêm, bảo vệ chất nền của sụn khớp. Hai hợp chất này bạn có thể tìm trong các loại trái cây chứa như: đu đủ, kiwi, ổi, dứa, việt quất,…

Bổ sung omega-3, chất xơ, các loại vitamin trong bữa ăn hằng ngày

Đặc biệt, bạn cần hạn chế ăn các loại thịt đỏ (thịt trâu, thịt chó), các loại đồ ăn chế biến sẵn và bánh kẹo chứa nhiều đường nhân tạo. Bởi chúng có chứa các thành phần kích thích phản ứng viêm, khiến tình trạnh đau nhức của bạn thêm trầm trọng.

2. Tạo thói quen hoạt động thể chất

Thường xuyên hoạt động thể chất không chỉ giúp bạn thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể mà còn giúp cho các hệ thống cơ, xương khớp của bạn trở nên chắc chắn và bền bỉ

Bạn có thể bắt đầu tập luyện bằng các bài tập cardio nhằm tăng cường cơ bắp hỗ trợ đầu gối giảm bớt áp lực và tăng tính linh hoạt. Hơn nữa, một số bộ môn như đi bộ, tập thể dục nhịp điệu, bơi lội được nhiều chuyên gia xương khớp khuyến khích tập luyện

Ngoài ra, các lớp học yoga, thái cực quyền là một sự lựa chọn giúp bạn cân bằng vóc dáng, trau dồi khả năng dẻo dai của xương khớp.

3. Chú ý tới trọng lượng của cơ thế

Thông thường, đầu gối của chúng ta chỉ có thể chịu được trọng lượng cơ thể ở mức vừa phải, khi cân nặng của bạn vượt quá, khiến đầu gối căng ra để chịu thêm trọng lượng thừa từ cơ thể bạn. Cho nên nếu bạn đang béo phì thì hãy kiểm soát nó để tránh tiếp tục gây tổn thương cho đầu gối.

4. Áp dụng biện pháp “RICE”

“RICE” là một biện pháp bạn có thể thực hiện dễ dàng tại nhà để giải quyết tình trạng đau nhức khớp gối cấp tính. “RICE” là viết tắt cả các từ trong tiếng anh: Rest – Ice – Compression – Elevation

Rest: Nghỉ ngơi

Khi xảy ra cơn đau nhức điều đầu tiên bạn cần làm là tạm ngưng các hoạt động, thực hiện nghỉ ngơi để hạn chế gây tổn thương thêm cho khớp gối

Ice: Băng

“Lạnh” là yếu tố giúp bạn giảm đau và sưng rất hiệu quả. Bạn có thể chườm đá hoặc túi lạnh lên đầu gối bị đau từ 10 đến 20 phút, thực hiện 3 lần trở lên mỗi ngày.

Compression: Nén ép

Bạn thực hiện băng ép khu vực đầu gối bằng băng thun (như quấn ACE), giúp đầu gối giảm sưng, làm dịu vùng đau. Trong khi quấn băng mà bạn cảm thấy tê, ngứa hoặc cơn đau tăng, điều đó chứng tỏ bạn đang quấn quá chặt. Do đó, bạn cần nới lỏng để không gây thêm đau đớn cho vùng gối

Elevation: nâng cao

Trong khi ngủ hoặc nghỉ ngơi, bạn kê chân cao hơn so với tim nhằm giúp giảm bớt lưu máu đến khớp, từ đó làm giảm viêm.

5. Sử dụng liệu pháp nóng – lạnh

Liệu pháp nóng – lạnh là một mẹo vô cùng đơn giản để giúp bạn thoát khỏi tình trạng đau nhức các khớp nói chung và khớp gối nói riêng.

Hằng ngày, đặc biệt vào buổi sáng bạn ngâm mình hoặc tắm dưới vòi hoa sen nước nóng, giúp cho tuần hoàn máu lưu thông một cách dễ dàng nhằm giảm các tình trạng đau nhức hay cứng khớp hay gặp vào sáng dậy.

Tắm nước nóng giúp tuần hoàn máu lưu thống tốt hơn, giảm đau nhức xương khớp

Bên cạnh đó, điều trị giảm đau khớp gối bằng cách chườm lạnh mang lại cho bạn hiệu quả ngay tức thì. Bạn gói một túi đá hoặc một túi thảo dược để lạnh vào trong một chiếc khăn và áp nó vào vùng khớp gối đang bị đau nhức, bạn sẽ thấy những cơn đau tan biến nhanh chóng.

6. Đừng ngần ngại sử dụng các dụng cụ hỗ trợ khớp gối

Nạng hay gậy đi bộ giúp bạn làm giảm trọng lực lên đầu gối, tránh việc vận động quá sức gây chèn ép thêm lên vùng gối. Đồng thời, giúp bạn đi lại an toàn hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Vì thế, bạn đừng ngần ngại khi sử dụng các dụng cụ hỗ trợ này.

7. Massage khớp gối

Việc thường xuyên xoa bóp khớp có thể giúp giảm đau, giảm cứng khớp và cải thiện phạm vi chuyển động của bạn. Bạn có thể tự massage giảm đau đầu gối bằng một số động tác như sau:

Để bắt đầu massage bạn ngồi trong tư thế đầu gối hướng vầ phía trước và bàn chân đặt vuông góc với mặt sàn

Động tác 1: Bạn nhẹ nhàng khép hai bàn thành nắm đấm, chạm một lực vừa phải vào toàn bộ khu vực vùng đùi trên đầu gối bị đau khoảng 10 lần. Bạn thực hiện 1 ngày 3 lần

Động tác 2: Bạn dùng gò của hai bàn nhẹ nhàng ấn lên đùi, mặt trong và mặt bên của đùi rồi tiếp tục di chuyển xuống dưới đầu gối. Thả tay ra và lặp lại động tác trên khoảng 5 lần

Động tác 3: Bạn ấn vào đầu gối bằng 4 ngón tay và sau đó di chuyển lên trên, xuống dưới, xung quanh đầu gối 5 lần liên tục.

Động tác 4: Bạn đặt úp lòng bàn tay lên đùi, dùng lực vuốt qua đâu gối và ngược lại lên đùi ngoài

Ngoài những động tác tự massage trên, bạn có thể đến một số phòng khám vật lý trị liệu, nhờ tới sự trợ giúp của các bác sĩ có kinh nghiệm giúp bạn giảm đau có hiệu quả.

8. Sử dụng đệm lót chuyên dụng khi mang giày

Thông thường những miếng lót giày chuyên dụng giảm đau nhức chân và khớp gối được thiết kế có độ cong giúp nâng đỡ. Miếng lót sẽ tạo độ êm giảm bớt áp lực khi đi giày dép quá cứng, nâng đỡ vòm bàn chân đúng theo sinh lý bình thường. Khi sử dụng đệm lót chuyên dụng bạn cần có sự hướng dẫn của bác sĩ và được thiết kế riêng phù hợp với từng người bệnh.  Do đó, để lựa chọn được miếng lót phù hợp với mình, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ vật lý trị liệu của mình nhé.

Mang đệm lót giày chuyên dụng giảm đau nhức khớp

9. Hãy tận dụng các nhiên liệu giảm đau có sẵn tại nhà bạn

Sử dụng lá ngải cứu

Theo nghiên cứu cho thấy trong ngải cứu chứa nhiều tinh dầu và nó hoạt động như một chất gây tê giúp bạn làm giảm cảm giác đau nhức xương khớp. Bên cạnh đó, chất đắng trong ngải cứu được tạo thành từ các hợp chất absinthin và anabsinthine còn có đặc tính kháng viêm tự nhiên, giúp bạn cải thiện tình trạng sưng tấy tại các khớp bị viêm

Ngải cứu rang muối giúp bạn đánh bật những cơn đau nhức khớp gối

Hướng dẫn bạn cách sử dụng

Bạn rửa sạch một lượng ngải cứu cứu vừa phải, để ráo nước rồi đem xao cùng với một chút muối, đến khi lá se lại

Khi hỗn hợp còn nóng, bạn bọc vào một cái khăn sạch rồi chườm lên vùng khớp gối đang đi đau. Thực hiện khoảng 3-4 lần/ ngày, mỗi lần chườm tầm 15 phút bạn sẽ thấy cơn đau của mình dịu đi đáng kể

Sử dụng lá lốt

Trong y học cổ truyền lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, có công dụng ôn trung (làm ấm bụng), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống) và chỉ thống (giảm đau). Do đó, lá lốt được nhiều chuyên gia đánh giá là mang lại hiệu quả cao trong điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp

Hướng dẫn bạn cách sử dụng

Bạn chuẩn bị 30g lá lốt đã rửa sạch, để trong bóng râm cho tới khi héo đi. Sau đó bạn cho vào đun với 300ml nước trong vòng khoảng 30 phút

Cuối cùng, bạn gạt bỏ bã, để bớt nóng rồi uống sau bữa ăn để cải thiện tình trạng đau nhức khớp gối của mình

Bài viết trên đây đã giúp bạn tổng hợp được các mẹo trị đau khớp gối hiệu quả mà nhiều người đã áp dụng thành công. Tuy nhiên, đau nhức khóp gối là dấu hiệu cho thấy khớp của bạn đang bị tổn thương. Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và tìm kiếm phương pháp điều trị bệnh thích hợp nhằm phòng tránh các biến chứng nguy hiểm. Hi vọng bài viết trên đây mang lại cho bạn nhiều thông tin hữu ích

Xem thêm: 14 cách chữa đau khớp gối bằng các thảo dược quen thuộc

Link tham khảo:

Cập nhật lúc: 17/01/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm »
vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

Bài Đọc Nhiều Nhất

Loading...