Đau cổ - Nguyên nhân, biện pháp khắc phục tại nhà, cách điều trị

Đau cổ hiếm khi là triệu chứng cảnh báo của những vấn đề y tế nghiêm trọng. Nhưng nó ảnh hưởng lớn tới các hoạt động thường ngày của bạn. Vậy, khắc phục đau cổ tại nhà như thế nào, phương pháp điều trị y tế ra sao?

Đau cổ – Một hiện tượng phổ biến

Đau cổ là bệnh gì?

Cột sống của chúng ta được tạo thành từ các xương gọi là đốt sống, chúng xếp chồng lên nhau để tạo thành một cột. Giữa những đốt sống là các đĩa đệm có vai trò giảm xóc và giữ cho cột sống được linh hoạt. Các đốt sống được nối với nhau bởi các cặp khớp nhỏ gọi là khớp mặt và các sợi dây chằng.

Các đốt sống của cột sống được chia thành: 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng, 5 đốt sống cùng (Sacrum) và đoạn cụt gồm 3 đến 5 đốt hợp nhất với nhau tạo thành xương cụt hình tam giác (còn gọi là coccyx).

Vùng cổ của chúng ta là một mạng lưới phối hợp của các dây thần kinh, xương, khớp và cơ bắp. Vai trò của cổ là nâng đỡ cho vùng đầu và giúp nó di chuyển linh hoạt. Chính vì thế, đây là vùng cực kì nhạy cảm. Bất kì cấu trúc nào ở cổ bị tổn thương, cũng có thể gây ra đau cổ, thậm chí đau lan tỏa ra cả vùng vai, đầu và các chi.

Đau cổ có nguy hiểm không?

Đau cổ là hiện tượng phổ biến ở người lớn, tuy nhiên nó cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Theo thống kê, cứ mỗi 3 tháng lại có khoảng 15% dân số trưởng thành bị đau cổ ít nhất 1 ngày.

Đau cổ có thể phát triển đột ngột hoặc nó có thể phát triển chậm theo thời gian, kéo dài trong nhiều năm. Cơn đau cổ có thể tự giảm bớt khi được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cần phải phẫu thuật để cải thiện chứng bệnh này.

Rất hiếm khi đau cổ là triệu chứng của một vấn đề y tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đau cổ có thể là dấu hiệu và triệu chứng của một số bệnh liên quan đến sức khỏe cột sống cổ, rễ thần kinh, tủy sống; hoặc cảnh báo của sự nhiễm trùng, chẳng hạn như: chèn ép tủy sống, ung thư, viêm màng não,…

Rất hiếm khi đau cổ là triệu chứng của một vấn đề y tế nghiêm trọng (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân thường gặp

Nguyên nhân gây đau cổ cấp tính

Đau cổ cấp tính thường bắt nguồn từ các tổn thương ở mô mềm (gồm cơ, dây chằng, dây thần kinh, gân), chứ không phải bắt nguồn từ tổn thương cột sống cổ. Khi bạn có các hành động gây nhiều áp lực lên hệ thống mô mềm ở cổ, các cơn đau cổ có thể xảy ra. Chúng thường bao gồm:

Tư thế đầu không đúng. Nhiều người có thói quen khi làm việc, ngồi học thường chúi đầu về phía trước hoặc liên tục cúi xuống nhìn điện thoại, máy tính bảng. Chính tư thế này là nguyên nhân dẫn đến đau cổ cấp tính.

Ở tư thế chúi đầu, cột sống cổ phải chịu tải trọng lớn hơn nhiều so với bình thường, ước tính, chỉ cần cúi đầu khoảng 2-4 cm về phía trước, cột sống cổ sẽ phải chịu thêm 2-3 lần tải trọng đầu. Hơn nữa, khi bạn chúi đầu về phía trước, cột sống cổ cũng sẽ phải thay đổi độ cong, làm khoảng cách ống sống giữa đáy sọ đến đáy cổ bị kéo dài ra, khiến tủy sống và rễ thần kinh gần đó bị kéo căng. Ngoài ra, ở tư thế này, các cơ bắp quanh vùng vai gáy đầu cũng phải căng liên tục để có thể đối trọng với lực kéo của đầu. Theo thời gian, tất cả những điều này đều dẫn đến đau nhức ở vùng cổ, vai và gáy.

Ở tư thế chúi đầu, cột sống cổ phải chịu tải trọng lớn hơn nhiều so với bình thường (Ảnh minh họa)

Ngủ sai tư thế. Nếu trong khi ngủ, đầu của bạn bị giữ ở một góc xấu (do gối quá cao hoặc quá thấp) hay bị xoay sai trong khi ngủ, hiện tượng đau cổ có thể xảy ra vào buổi sáng.

Chuyển động lặp đi lặp lại. Xoay đầu lặp đi lặp lại (chẳng hạn quay đầu liên tục khi nhảy, bơi) có thể khiến các cơ, gân và dây chằng ở cổ bị hoạt động quá mức. Điều này có thể dẫn tới đau cổ.

Stress, căng thẳng. Stress, căng thẳng kéo dài đã được chứng minh là có thể gây đau đầu. Tuy nhiên, căng thẳng cũng có thể gây ra những tác động vật lý lên vùng cơ cổ của bạn và gây ra tình trạng đau cổ.

Các hành động khác gây căng thẳng lên vùng cổ. Chẳng hạn như mang vác vật nặng sai cách, tập luyện vất vả, ngồi làm vườn trong thời gian dài,… cũng là những nguyên nhân khiến bạn bị đau cổ.

Chấn thương. Nếu bạn gặp bất kì chấn thương nào tác động đến vùng cổ, ví dụ như va chạm thể thao, tai nạn xe,… cũng có thể dẫn tới đau cổ.

Va chạm thể thao là một trong những nguyên nhân dẫn đến đau cổ (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây đau cổ mãn tính

Đau cổ mãn tính xảy ra là do đốt sống cổ có những tổn thương. Nguyên nhân của vấn đề này thường là:

Bệnh thoát vị đĩa đệm cổ. Theo thời gian, các đĩa đệm ở vùng cổ dần dần mất hydrat hóa và bị hao mòn theo thời gian. Điều này dẫn đến các cơn đau cổ theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm cổ khiến dây thần kinh bị chèn ép dẫn tới đau hoặc sự hao mòn làm thay đổi khớp mặt, dẫn đến viêm khớp cổ, gây đau cổ.

Thoái hóa đốt sống cổ. Khi bạn già đi, lớp sụn trong khớp mặt ở cổ cũng dần bị hao mòn và thoái hóa. Khiến không gian giữa các đốt sống trở nên hẹp lại, các đốt sống bắt đầu cọ xát vào nhau. Điều này gây ra nhiều đau đớn, khiến khớp cổ bị cứng. Thậm chí, nhiều người còn bị ngứa ran hoặc tê ở tay và chân.

Chấn thương do giật cổ (whiplash). Đây là chấn thương xảy ra khi đầu đột ngột bị chuyển động về một hướng rồi giật lùi lại một cách nhanh chóng. Chuyển động đột ngột này khiến cơ cổ và dây chằng bị kéo căng nhiều hơn bình thường, dẫn tới đau cổ. Whiplash thường xảy ra sau tai nạn xe hơi, và cơn đau cổ có thể xuất hiện vài ngày sau tai nạn.

Hình minh họa mô tả hiện tượng whiplash

Nhiễm trùng. Nếu cột sống bị nhiễm trùng, tình trạng viêm cũng có thể gây ra đau cổ.

Hội chứng đau cơ xơ hóa. Đau cơ xơ hóa xảy ra do việc xử lý tín hiệu đau ở não bộ bị rối loạn. Đau cơ xơ hóa thường đặc trưng bởi tình trạng đau cơ, xương, gân và dây chằng trên một số khu vực của cơ thể, bao gồm cả vùng cổ.

U cột sống cổ. Nếu bạn bị u cột sống cổ, khối u có thể phát triển và làm tổn thương các mô, dây thần kinh ở vùng cổ. Gây ra triệu chứng đau nhức cổ.

Một số nguyên nhân do bệnh lý khác. Gai cột sống cổ, viêm cột sống cổ,…

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị đau cổ

Nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ mắc đau cổ cũng đã được các bác sĩ đồng ý, như:

  • Tuổi tác;
  • Hút thuốc;
  • Giới tính nữ;
  • Làm các công việc lao động tay chân;
  • Vận động viên;
  • Công việc nhiều áp lực;
  • Không có sự hỗ trợ tinh thần nhiều từ bạn bè hay người thân;
  • .v.v.
Thống kê cho thấy, những người trên 30 tuổi có nguy cơ bị đau cổ cao gấp 2,61 lần so với người trẻ tuổi (Ảnh minh họa)

Triệu chứng

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng đau cổ thường được phân loại theo thời gian, bao gồm:

Triệu chứng đau cổ cấp tính. Đau kéo dài dưới 4 tuần. Các cơn đau thường xuất hiện đột ngột, sắc nét và nằm ở một điểm. Đôi khi cơn đau không dữ dội nhưng lại lan rộng ra một vùng. Ở một vài trường hợp, đau cổ có thể đi kèm với đau đầu, cứng cổ hoặc có các cơn co thắt cơ ở cổ, lưng hoặc xung quanh xương bả vai. Ít phổ biến hơn, các cơn đau giống như bị sốc điện hoặc ngứa ran, có thể lan tỏa xuống vai, cánh tay và/hoặc bàn tay.

Triệu chứng đau cổ bán cấp. Đau kéo dài từ 4 đến 12 tuần. Đau bán cấp là một tập con của cơn đau cấp tính. Nó bao gồm các triệu chứng của đau cổ cấp tính nhưng thời gian kéo dài hơn.

Triệu chứng đau cổ mãn tính. Đau kéo dài 3 tháng trở lên. Các cơn đau cổ mãn tính có thể bắt đầu ở mức độ nhẹ hoặc chỉ xảy ra vào cuối ngày làm việc. Đôi khi đau cổ có thể bắt đầu vào giữa một ngày bình thường mà không có lý do rõ ràng.

Các triệu chứng đau cổ mãn tính có thể xuất hiện nhanh chóng rồi biến mất, sau đó đến và đi thường xuyên hoặc tái phát không liên tục. Dần dần, các cơn đau trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, một số hoạt động hoặc chuyển động, chẳng hạn như hắt hơi hoặc ho cũng có thể làm cho cơn đau nặng hơn. Nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị tê yếu cánh tay, bàn tay hoặc ngón tay, khiến việc nâng, cầm nắm đồ vật trở nên khó khăn.

Lưu ý. Các triệu chứng đau cổ là khác nhau ở mỗi người. Cơn đau có thể chỉ là một mối phiền toái nhẹ, hoặc nó có thể gây khó chịu đến nỗi khiến bệnh nhân ngại vận động.

Triệu chứng đau cổ ở mỗi người là khác nhau (Ảnh minh họa)

Triệu chứng đau cổ cần đi khám bác sĩ

Bạn cần tới phòng khám sớm nhất có thể, nếu bạn bị đau cổ kèm theo bất kì triệu chứng nào dưới đây,

  • Đau lan tỏa vào cả cánh tay hoặc chân;
  • Tê, ngứa ran, yếu ở các chi;
  • Gặp vấn đề với sự cân bằng hoặc phối hợp;
  • Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang;
  • Giảm cân mà không phải do chế độ;
  • Sốt hoặc ớn lạnh;
  • Đau đầu dữ dội đi kèm với cứng cổ.

Bạn cần được chăm sóc y tế khẩn cấp, nếu đau cổ nghiêm trọng xảy ra do chấn thương, chẳng hạn như ngã mạnh hoặc đâm xe.

Chẩn đoán đau cổ

Để chấn đoán nguyên nhân đau cổ, đầu tiên bác sĩ cần xem xét lịch sử các triệu chứng của bạn. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ lưu ý tới vị trí, cường độ, thời gian và mức độ của cơn đau. Cơn đau cổ trở nên tồi tệ hơn hay được cải thiện khi định vị lại đầu. Các vị trí hoặc chuyển động làm nặng thêm và/hoặc giảm bớt các cơn đau.

Ngoài ra, để việc chẩn đoán được chính xác, bác sĩ có thể yêu cần bạn làm một số kiểm tra khác, như: X-quang, chụp cắt lớp vi tính, quét xương, quét MRI, điện cơ đồ (EMG), kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh (NCV), xét nghiệm máu,…

Bạn cần tới phòng khám nếu các triệu chứng đau cổ không thuyên giảm hoặc xuất hiện các triệu chứng mới (Ảnh minh họa)

Chuyên khoa nào chữa đau cổ?

Để được khám và điều trị đau cổ, bạn có thể tới chuyên khoa Cơ xương khớp tại các bệnh viện uy tín trên cả nước.

Một số bệnh viện có chuyên khoa này tại:

  • Hà Nội: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh Viện Thể Thao Việt Nam, Trung tâm Y khoa số 1 – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,…
  • Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy, Phòng khám Vietlife MRI – Sư Vạn Hạnh, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM,…

Khắc phục đau cổ tại nhà

Hầu hết các trường hợp đau cổ sẽ trở nên tốt hơn trong vòng một vài ngày mà bạn không cần phải đi khám bác sĩ. Trong thời gian này hãy cố gắng duy trì hoạt động và tiếp tục với các hoạt động bình thường của bạn càng nhiều càng tốt.

Ngoài ra, bạn có thể thực hiện một số cách dưới đây để giảm các triệu chứng và tăng tốc độ phục hồi:

Nghỉ ngơi. Nếu bị đau cổ, bạn nên tiến hành nghỉ ngơi trong vài ngày, đừng nghỉ quá lâu. Bởi nghỉ ngơi quá nhiều có thể làm cứng cơ cổ và làm cho cơn đau kéo dài hơn. Sau vài ngày, bạn nên thử các bài tập cổ nhẹ nhàng để nới lỏng các cơ và dây chằng.

Thay đổi tư thế. Nếu bạn đang có tư thế ngồi hoặc ngủ như đã kể ở phần nguyên nhân, bạn nên tìm cách để thay đổi những tư thế xấu này. Chẳng hạn như: nghỉ ngơi thường xuyên trong quá trình làm việc, hạn chế cúi đầu để xem điện thoại, mua các loại gối có độ cao và độ cứng phù hợp,…

Một tư thế tốt sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng đau cổ (Ảnh minh họa)

Sử dụng liệu pháp nhiệt. Cả túi chườm nóng và chườm lạnh đều có tác dụng giảm đau cổ hiệu quả. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý luôn quấn túi chườm trong khăn hoặc vải để giúp bảo vệ da khỏi bị bỏng và tổn thương mô. Không sử dụng quá 15 phút mỗi lần và đợi cho nhiệt độ da của bạn trở lại bình thường trước khi chườm lại.

Xoa bóp. Massage có thể giúp bạn đối phó với cơn đau và làm giảm căng cơ. Bạn có thể thực hiện xoa bóp tại nhà hoặc gặp bác sĩ trị liệu có trình độ.

Sử dụng kem, gel bôi, miếng dán giảm đau. Đây là các sản phẩm có chứa các chất giúp giảm đau tạm thời. Bạn có thể mua tại nhà thuốc gần nơi ở.

Sử dụng thuốc để giảm đau không kê đơn. Có một số loại thuốc giảm đau không kê đơn bạn có thể mua tại quầy thuốc. Tuy nhiên hãy lưu ý làm theo hướng dẫn và chỉ định của dược sĩ.

Điều trị đau cổ

Có nhiều phương pháp điều trị y tế dành cho đau cổ, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chúng. Thông thường, để điều trị đau cổ, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp sau:

  • Thuốc giảm đau kê đơn, như: NSAID theo toa, opioids, thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm,…
  • Tiêm steroid;
  • Phẫu thuật (được chỉ định trong những trường hợp rất hiếm, nếu cơn đau rất nghiêm trọng hoặc tủy sống hay dây thần kinh bị ảnh hưởng);
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập, điện trị liệu, nhiệt trị liệu, liệu pháp laser
  • Châm cứu
Nếu đau cổ là do viêm dây thần kinh làm nó bị chèn ép, tiêm steroid sẽ làm giảm sưng và giảm áp lực lên dây thần kinh (Ảnh minh họa)

Phòng ngừa đau cổ

Chìa khóa để ngăn ngừa đau cổ là giữ cho cột sống của bạn linh hoạt và khỏe mạnh. Trong hầu hết các trường hợp, đau cổ có thể được ngăn ngừa bằng cách thay đổi lối sống:

Tập thể dục thường xuyên. Điều này giúp cải thiện tư thế và tăng cường sức mạnh cơ bắp. Mỗi ngày, bạn nên dành ít nhất 30 phút để hoạt động thể chất. Bạn có thể tập với bạn bè hoặc tập theo nhóm, đây là một cách tốt để bạn duy trì được thói quen lâu dài.

Nếu bạn cần giúp đỡ để bắt đầu các bài tập hoặc bạn đã lâu không tập thể dục, hãy nói chuyện với các huấn luyện viên hoặc bác sĩ để được hỗ trợ tốt nhất.

Xây dựng tư thế tốt. Bạn hãy để ý nhiều hơn tới các tư thế của bản thân, đặc biệt là khi ngồi ở nhà, tại nơi làm việc hoặc trong xe hơi. Tránh trượt, thò ra và chúi đầu trong thời gian dài. Ngoài ra, hãy chọn một chiếc gối hỗ trợ cổ của bạn một cách tốt nhất, có độ cao và độ mềm phù hợp.

Nghỉ giải lao thường xuyên. Nếu bạn phải lái xe, đứng hoặc ngồi trong thời gian dài. Sau mỗi giờ hãy dành một chút thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn cổ.

Mang cân nặng đều. Ví dụ, một chiếc ba lô nên được đeo trên cả hai vai, không phải một. Đối với những vật dụng không dễ dàng để mang đều vai, như một chiếc cặp hoặc ví lớn, bạn hãy cố gắng đi lại nhẹ nhàng và chỉ mang theo những vật dụng thiết yếu.

Kết luận

Đau cổ là hiện tượng thường gặp và không quá nguy hiểm. Thông thường, bạn có thể khắc phục tình trạng này tại nhà và các cơn đau thường không kéo dài quá một tuần. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau 4 tuần, bạn nên đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân và tìm cách điều trị dứt điểm.

Cập nhật lúc: 17/01/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm »
vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

Bài Đọc Nhiều Nhất

Loading...