Những điều cần biết về mổ thoái hóa đốt sống cổ

Hiện nay, mổ thoái hóa đốt sống cổ hay còn gọi là phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ đang là biện pháp điều trị cuối cùng khi mà các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả cho người bệnh. Dưới đây là những điều cần biết về phương pháp mổ thoái hóa đốt sống cổ, bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn về phương pháp điều trị này.

Tổng quan về mổ thoái hóa đốt sống cổ

Mổ thoái hóa đốt sống cổ là phương pháp phẫu thuật xâm lấn nhằm loại bỏ khối thoát vị đĩa đệm hiện chèn ép lên dây thần kinh gây đau nhức. Tùy vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ có thể thay thế một phần hay toàn bộ đĩa đệm bằng đĩa đệm nhân tạo sẽ giúp điều chỉnh cột sống cổ về tư thế ban đầu, phục hồi vùng xương khớp bị tổn thương.

Trước khi thực hiện mổ thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh sẽ thực hiện xét nghiệm chụp X – quang và MRI. Các bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm để xác định người bệnh có thực hiện phương pháp này hay không. Tương tự các bệnh lý về xương khớp khác, phương pháp phẫu thuật xâm lấn này được áp dụng với tình trạng bệnh nặng, bước vào giai đoạn cuối và không thể điều trị bằng các phương pháp giảm đau hay bảo tồn khác.

Cũng như các phương pháp điều trị khác, phẫu thuật cũng chỉ có tác dụng phục hồi chức năng bị suy giảm của cơ thể, làm giảm các biến chứng gây chèn ép lên dây thần kinh gây đau, tê bì chân tay và đưa đốt sống trở về với trạng thái gần nhất ban đầu.

Vì vậy, thực hiện phẫu thuật bệnh thoái hóa đốt sống cổ không thể chữa khỏi hoàn toàn được bệnh nhưng nó sẽ giúp hạn chế được nguy cơ mất khả năng vận động và kiểm soát các biến chứng có thể xảy ra.

Các phương pháp mổ thoái hóa đốt sống cổ hiện nay

Mổ hở

Hay còn gọi là mổ phanh, được thực hiện với vết mổ lớn. Đây là một phương pháp phổ biến giúp giải phóng sự chèn ép lên các rễ thần kinh.

Tuy nhiên, với phương pháp này người bệnh sẽ phải chịu đau nhiều hơn và thời gian phẫu thuật cũng như phục hồi lâu hơn do vết mổ lớn. Nhất là sử dụng phương pháp mổ hở dễ có thể bị nhiễm trùng do vết thương hở, chảy máu, không đông máu,…

Mổ nội soi

Mổ thoái hóa đốt sống cổ bằng phương pháp nội soi

Nhờ sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại mổ nội soi ra đời nhằm giảm bớt nguy hiểm khi sử dụng phương pháp mổ hở.

Mổ nội soi là phương pháp thực hiện ít xâm lấn và không gây mất máu nhiều. Các bác sĩ sẽ thực hiện chỉ với một đường rạch 1cm từ gáy để đưa ống trocar vào thực hiện phẫu thuật. Mổ nội soi có thể tránh không làm ảnh hưởng tới cơ, mạch máu, và các dây thần kinh bên cạnh.

Phương pháp này cũng giúp giải quyết vấn đề gốc rễ của thoái hóa cột sống, nhưng lại có độ an toàn cao hơn so với mổ hở.

Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật này sẽ tốn chi phí hơn mổ hở và đòi hỏi người bệnh bắt buộc phải ở lại bệnh viện để điều trị thêm một thời gian.

Phương pháp mổ và cố định cột sống

Phương pháp cố định cột sống sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn việc đĩa đệm bị lệch ra ngoài. Cột sống sẽ được bác sĩ sử dụng ốc vít và dây kim loại để cố định. Phương pháp này cũng mang lại hiệu quả cao. Giúp người bệnh đẩy lùi cơn đau cột sống.

Phương pháp thay thế đĩa đệm nhân tạo

Phương pháp này sẽ giúp điều trị thoái hóa cột sống bằng cách cấy ghép thiết bị giúp cho sự vận động của đĩa đệm cột sống tốt hơn. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này, thời gian phục hồi của người bệnh lên đến 6 tháng. Tất cả phương pháp phẫu thuật trên đều có ưu điểm là trị dứt điểm bệnh, thời gian nhanh, cơn đau được xử lý dứt điểm, nhanh chóng.

Những biến chứng nguy hiểm sau phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ

Hiện nay, nền y học phát triển đã cải thiện về kỹ thuật cũng như công nghệ nên mổ thoái hóa đốt sống cổ giúp giảm tổn thương, đồng thời giúp vết thương nhanh phục hồi, người bệnh có thể lấy lại khả năng vận động trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đây là căn bệnh có nguyên căn xuất phát từ quá trình lão hóa tự nhiên của con người nên phẫu thuật cũng chỉ là phương pháp giúp người bệnh khôi phục lại khả năng vận động và hạn chế những cơn đau của bệnh chứ không thể chữa dứt điểm hoàn toàn.

Hơn nữa, phương pháp này cũng tồn tại những hệ lụy khôn lường bao gồm:

  • Bị nhiễm trùng sau phẫu thuật nếu không được chăm sóc cẩn thận: Những ca phẫu thuật thường dễ dẫn tới nguy cơ bị nhiễm trùng nếu như không được vệ sinh cẩn thận. Đối với phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ, vị trí nhiễm trùng có thể xuất hiện ở vùng da bị rạch khi mổ, bên trong đĩa đệm hoặc có thể ở ống cột sống xung quanh các dây thần kinh.
  • Những cơn đau dai dẳng sau phẫu thuật: Phẫu thuật gây ra những tổn thương, chấn thương mô mềm và các khớp mô sẹo, ảnh hưởng đến các rễ thần kinh xung quanh khu vực được mổ sẽ khiến những cơn đau xuất hiện dai dẳng
  • Khả năng tái phát bệnh: Trong 6 tuần đầu tiên sau khi tiến hành phẫu thuật hoặc trong suốt quãng thời gian sau này, có khoảng 10-15% người bệnh bị tái phát lại bệnh. Đặc biệt đối với những trường hợp bị tái phát lại thì khả năng điều trị thành công căn bệnh này sẽ rất thấp.
  • Đau tái phát sau 1- 3 năm phẫu thuật: Sau khi phẫu thuật thành công nếu người bệnh không tuân thủ theo những chỉ dẫn của bác sĩ. Như sử dụng những loại thuốc đặc trị, tập vật lý trị liệu, cùng chế độ ăn uống nghỉ ngơi khoa học… thì người bệnh rất dễ gặp cơn đau tái phát trở lại.

Nếu phẫu thuật được thực hiện ở các bệnh viện lớn, có uy tín thì có thể kiểm soát được tỉ lệ phát sinh những hệ lụy này nhưng không thể kiểm soát hoàn toàn được. Hơn nữa, đây là ca mổ phức tạp thực hiện trong thời gian dài nên dễ ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận.

Do vậy, người bệnh cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện phương pháp này, những phương pháp điều trị bảo tồn tuy có tác dụng chậm nhưng khá an toàn và có thể ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển biến xấu.

Khi nào nên mổ và chi phí mổ thoái hóa đốt sống cổ

Theo bác sĩ chuyên khoa, phẫu thuật là phương pháp điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ cuối cùng để giải quyết cơn đau của người bệnh, phục hồi vùng xương khớp bị tổn thương khi mà các biện pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả tích cực. Mổ thoái hóa đốt sống cổ thường được áp dụng trong những trường hợp bệnh tiến triển nặng, bắt đầu gây chèn ép lên dây thần kinh, tủy sống dẫn đến những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

Căn cứ vào tình hình thực tế từng ca bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định khi nào bệnh nhân nên mổ, thông thường trong các trường hợp sau:

  • Đau nhức quá mức: Đau nhức đến độ không thể cử động được, khi này phẫu thuật được sử dụng để giúp giảm sự chèn ép lên các dây thần kinh tủy sống, rễ thần kinh.
  • Thoát vị đĩa đệm cổ: Thoát vị đĩa đệm khiến cho cổ bị đau nhức, hai chân bị đau mỏi, rối loạn chức năng. Lúc này, mổ thoái hóa đốt sống cổ được chỉ định gấp để phục hồi chức năng hai chi.
  • Thoát vị đĩa đệm chèn ép lên vùng cổ: Đây là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh thoái hóa đốt sống cổ, phần tủy cổ bị chèn ép gây biến chứng nặng, tê liệt hai cánh tay, tiểu tiện không kiểm soát và rối loạn chức năng sinh lý.
  • Tổn thương thần kinh: Khi bị mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ, các rễ thần kinh bị chèn ép gây ra triệu chứng đau lan truyền từ cổ tới cánh tay, bàn tay và ngón tay. Bác sĩ sẽ chỉ định mổ để không làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác.
  • Chèn ép tủy cổ nặng: biểu hiện với việc bệnh nhân yếu liệt hay tê tứ chi, rối loạn tiêu tiểu, không thể kiểm soát đại tiểu tiện.
  • Chấn thương đốt sống cổ nặng nề do tai nạn hoặc lao động.

Về chi phí, tùy vào độ phức tạp của từng ca bệnh cũng như phương pháp mổ mà chi phí cũng khác nhau.

  • Đối với phương pháp mổ thoái hóa đốt sống cổ truyền thống mức chi phí mổ thường dao động từ 15-20 triệu/ca mổ.
  • Mổ thoái hóa đốt sống cổ bằng phương pháp mổ nội soi khoảng 20- 40 triệu/ca mổ.

Những điều cần lưu ý trước và sau khi mổ thoái hóa đốt sống cổ

Lưu ý trước và sau khi mổ thoái hóa đốt sống cổ tránh những biến chứng nguy hiểm

Trước khi quyết định tiến hành phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm, có tay nghề cao để quá trình phẫu thuật diễn ra an toàn, hạn chế những biến chứng không mong muốn, nhanh chóng hồi phục sau phẫu thuật.

Người bệnh cần phải lưu ý những điều sau trước khi mổ thoái hóa đốt sống cổ:

  • Hiểu rõ tình trạng của bản thân, cần thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, thăm khám trước khi mổ
  • Nếu cơ thể có những biểu hiện gì bất thường cần báo cho bác sĩ để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp
  • Lắng nghe tư vấn của bác sĩ chuyên khoa về tình trạng bệnh
  • Tìm hiểu kỹ về cơ sở y tế, chất lượng, dịch vụ, chi phí cho lần phẫu thuật
  • Cần biết thông tin về các phương pháp phẫu thuật và những lưu ý sau phẫu thuật để cơ thể phục hồi nhanh chóng
  • Lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp với tình trạng bệnh
  • Giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng trước khi thực hiện phẫu thuật

Sau khi tiến hành phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh cần lưu ý một số điều để đẩy nhanh quá trình phục hồi, hạn chế các biến chứng sau phẫu thuật:

  • Sau phẫu thuật cần nghỉ ngơi tại bệnh viện 1 – 2 tuần để bác sĩ theo dõi quá trình hồi phục và điều trị các biến chứng nếu có
  • Sau khi mổ không nên vận động nhiều nhưng cũng đừng nằm quá lâu trên giường bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến vết mổ. Người bệnh cần vận động nhẹ nhàng để xương khớp nhanh hồi phục.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đặc biệt bổ sung các loại thực phẩm tốt cho bệnh thoái hóa đốt sống cổ như: thực phẩm giàu canxi, chất xơ, omega-3, vitamin A, D, C,… rất tốt cho sức khỏe. Không nên sử dụng chất kích thích, các loại đồ ăn nhanh gây ảnh hưởng xấu đến quá trình hồi phục.
  • Nên nằm, ngồi, nghĩ ngơi đúng tư thế, tránh làm tổn thường đến sức khỏe, kết hợp với các bài tập vật lý trị liệu, yoga.
  • Thông thường sau 3 tháng kể từ lúc phẫu thuật, người bệnh có thể thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như bơi lội, đạp xe hoặc đi bộ. Tuy nhiên hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi luyện tập.
  • Khi ngồi nên chú ý giữ thẳng cổ, lưng. Tránh nằm ngủ trên võng, ghế sofa.
  • Sau khi được về nhà nghĩ ngơi, bệnh nhân nên đi khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho bác sĩ tránh những biến chứng sau mổ

Bài tập phục hồi chức năng sau mổ

Các bài tập phục hồi chức năng sau mổ giúp làm giảm các cơn đau nhức, tăng cường lưu thông tuần hoàn máu đồng thời giúp ngăn chặn sự tái phát trở lại của bệnh.

Bạn có thể thực hiện bài tập thư giãn cổ. Đây là bài tập nhẹ nhàng giúp vùng đốt sống cổ sau khi phẫu thuật được thư giãn hiệu quả và nhanh chóng hồi phục.

Hình ảnh minh họa bài tập thoái hóa đốt sống cổ

Các bước thực hiện:

  • Bước 1: Người bệnh ngồi thoải mái trên ghế rồi cúi gập đầu về phía trước rồi tiếp tục ngửa cổ ra phía sau.
  • Bước 2: Sau khi thực hiện hai động tác cúi đầu về phía trước và ngửa đầu ra sau, người bệnh tiếp tục nghiêng đầu sang bên phải và nghiêng đầu sang bên trái.
    Người bệnh thực hiện 4 động tác gập đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang bên phải rồi nghiêng đầu sang bên trái liên tục từ 20- 30 lần.

Trên đây là những thông tin về phương pháp mổ thoái hóa đốt sống cổ mà chúng tôi muốn gửi tới quý bạn đọc. Hy vọng với bài viết này các bạn sẽ có thêm những thông tin hữu ích giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp điều trị này.

*** Bài viết có sự cố vấn của PGS. TS Lê Minh Hà, hiện nay đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam.

Cập nhật lúc: 17/01/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm »
vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

Bài Đọc Nhiều Nhất

Loading...