Cảnh báo - những sai lầm dễ mắc phải khi điều trị thoái hóa khớp gối

Khi bị thoái hóa khớp gối không ít người tìm đến các biện pháp khác nhau để ngăn chặn tình trạng đau nhức triền miên. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân phàn nàn là: họ đã thử mọi cách rồi những vẫn không thấy bệnh tình thuyên giảm. Vậy đâu là những sai lầm mà chúng ta hay mắc phải khi điều trị thoái hóa khớp gối? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn thấy được những sai lầm trị bệnh của rất nhiều người đang mắc phải.

Thoái hóa khớp gối là bệnh gì?

Thoái hóa khớp gối là sự tổn thương ở bề mặt sụn khớp, do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau khiến sụn khớp bị hư. Ở những giai đoạn đầu, người bệnh chưa cảm thấy có triệu chứng gì rõ rệt bởi dịch khớp bên trong mới có biểu hiện bị hao hụt. Khi dịch khớp hao hụt ngày càng nhiều, ma sát giữa 2 đầu khớp sẽ tăng lên và chịu lực tác động nhiều hơn. Dần dần bề mặt sụn khớp bị bào mòn, và đưa đến tình trạng hẹp khe khớp. Theo thời gian, lớp sụn này bị bong tróc và vỡ thành từng mảng, tổn thương này tiếp tục tấn công mô xương dưới sụn tạo nên tình trạng khuyết xương, hay còn gọi là “gai xương”

Cho đến nay, chưa có một phương thuốc nào có thể điều trị thoái hóa khớp một cách hoàn toàn. Mọi biện pháp được áp dụng điều trị nhằm giúp người bệnh “chung sống hòa bình” với căn bệnh. Giảm các triệu chứng đau nhức, khôi phục tối đa khả năng vận động của khớp và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị bệnh nếu bạn không tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ đồng thời thực hiện một số thói quen không tốt, bổ sung chế độ dinh dưỡng không hợp lý sẽ khiến cho tình trạng bệnh ngày một xấu đi. Cùng điểm qua một số sai lầm thường gặp trong quá trình điều trị thoái hóa khớp gối làm cho tình trạng thoái hóa khớp ngày càng nặng hơn.

Các sai lầm chữa bệnh phổ biến mà nhiều người hay mắc phải

1. Tự ý sử dụng các nhóm thuốc uống, tiêm giảm đau

Đây là thói quen của rất nhiều người vì thuốc giảm đau có tác dụng giảm đau nhanh và rất tiện dụng. Chính vì vậy không ít người có thói quen sử dụng thuốc giảm đau mà chưa có chỉ định của bác sĩ, chưa thăm khám xem bệnh đang ở giai đoạn nào và sử dụng thuốc nào cho phù hợp. Có người tìm đến dược sĩ tại các nhà thuốc, có người nghe lời mách bảo của mọi người xung quanh. Nhưng không một ai ngờ đến những tác dụng phụ thuốc mà có thể gặp trong quá trình dùng thuốc.

Tự ý sử dụng thuốc giảm đau có thể khiến người bệnh gặp phải một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe

Paracetamol – loại “thuốc giảm đau nhức quốc dân” có thể giúp bạn giảm cơn đau nhức tạm thời nhưng không điều trị được nguyên nhân gây viêm. Còn các loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid như: diclofennac, celecoxib, meloxicam…tuy ngăn cả được quá trình gây viêm nhưng để lại rất nhiều tác dụng phụ cho người bệnh (tổn thương niêm mạc dạ dày, tổn thương gan, thận). Bên cạnh đó, nếu bạn có bệnh nền liên quan đến tim mạch, huyết áp, tiểu đường thì nhóm thuốc này còn gây nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

Trong điều trị thoái hóa khớp bên cạnh việc uống thuốc, thì tiêm nội khớp thuốc kháng viêm corticoid cũng phát huy được hiệu quả điều trị bệnh khá tốt. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc quá liều lượng hoặc dùng trong một thời gian sẽ khiến bạn gặp thêm nhiều các tác dụng không tốt lên xương và nhiều cơ quan khác của cơ thể.

Lưu ý, thủ thuật tiêm corticoid cần được tiến hành bởi những người có chuyên môn, nhằm giúp bạn tránh các nguy cơ nhiễm trùng khớp có thể gây nguy hiểm cho bạn.

2. Liệu pháp chườm giảm đau không phải lúc nào cũng tốt

Chườm nóng hay chườm lạnh là phương pháp giảm đau được rất nhiều người sử dụng khi bị chấn thương. Đây là cách rất đơn giản và dễ áp dụng trong mọi hoàn cảnh.

Trên thực tế hiện nay việc lựa chọn chườm nóng hay chườm lạnh thường chỉ theo cảm tính của bệnh nhân. Tuy nhiên biện pháp này áp dụng sai bệnh gây ra những tác dụng không mong muốn.

Ví dụ: thoái hóa khớp gối kèm viêm, không nên chườm ấm hoặc bôi thuốc gây nóng, vì làm tăng cơn đau do kích thích phản ứng viêm ở trong khớp.

3. Thói quen sai tư thế

Thói quen ngồi xổm là thói quen thường thấy của người Việt Nam, đặc biệt là những người phụ nữ. Tư thế này gây áp lực rất lớn lên khớp gối, vì khi đó khớp gối đang kéo giữ lại toàn bộ cơ thể. Các chuyên gia xương khớp khẳng định rằng, nếu thường xuyên thực hiện tư thế này thì khớp gối sẽ bị quá tải nên tình trạng thoái hóa khớp sẽ tiến triển nhanh hơn. Khi khớp gối hư hại thì trong khớp xảy ra các phản ứng viêm, lớp sụn đệm và xương dưới sụn bị hư hỏng, gây ra các cơn đau dữ dội đặc biệt khi khớp cử động.

4. Chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý

Dinh dưỡng hằng ngày đóng một vai trò không nhỏ trong quá trình cải thiện bệnh tình. Việc bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho xương khớp như omega – 3, vitamin D, canxi,… sẽ thúc đẩy quá trình tái tạo sụn khớp mới một cách tốt hơn, cũng như thiết lập cho cơ thể một hệ thống miễn dịch trước các tác nhân xấu. Bên cạnh đó, việc bổ sung một số loại thực phẩm không hợp lý có thể gây phá huỷ sụn khớp và làm cho quá trình thoái hoá khớp diễn ra nhanh hơn.

  • Bia rượu: Dung nạp rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác không chỉ có hại cho sức khoẻ nói chung mà còn không tốt cho sức khoẻ xương khớp nói riêng. Khi bạn đưa vào cơ thể quá nhiều chất độc hại, chính các chất độc này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng viêm ở khớp, khiến cơn đau ở khớp gối trở nên trầm trọng hơn.
  • Ăn nhiều đạm, muối: Ăn nhiều muối khiến cơ thể giữ nước, làm các mạch máu giãn nở, tĩnh mạch sưng lên gây áp lực trên các khớp bị viêm và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm. Trong khi đó, chất đạm, đặc biệt là đạm trong các loại thịt đỏ có thể góp phần làm cho tình trạng viêm khớp nặng nề hơn. Hệ miễn dịch của người bệnh lúc này nhận định đạm là vật thể lạ cần loại bỏ, quay sang tấn công cả khớp, làm tăng gánh nặng cho các khớp bị viêm.

Ngoài ra, thói quen thức khuya cũng làm tăng tình trạng viêm ở khớp, khiến người bệnh giảm khả năng chịu đựng trong khi lại nhạy cảm hơn với các cơn đau xương khớp. Ngủ ít còn gây căng thẳng, mệt mỏi và ảnh hưởng đến bệnh khớp. Thống kê cho thấy, những người đang bị căng thẳng cao độ có nguy cơ bị đau nhức xương khớp dữ dội cao gấp 4 lần. Mặt khác, những người sống chung với các cơn đau khớp mãn tính rất dễ rơi vào căng thẳng, trầm cảm nghiêm trọng. Đây là vòng luẩn quẩn của bệnh: đau khớp gây khó ngủ, khó ngủ lại càng gây đau khớp, nhiều người không nhận ra để cải thiện cả 2.

5. Sử dụng các bài thuốc Đông y mà không rõ nguồn gốc

Nhiều bệnh nhân điều tri thoái khớp gối bằng Tây y thất bại hoặc lo ngại vấn đề tác dụng phụ của thuốc đều chuyển hướng sang điều trị bằng Đông y lâu dài. Do đó, mà rất nhiều cơ sở thuốc Đông y gia truyền giả danh đã lợi dụng điểm này để điều trị cho bệnh nhân bằng những loại dược liệu được pha trộn với một số thuốc tân dược khiến người bệnh lầm tưởng về tác dụng tuyệt vời của thuốc. Nhưng tiềm ẩn đằng sau đó là một loạt các biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết dạ dày, suy hệ hô hấp,…

Các cụ có câu “có bệnh vái tứ phương” nên ấy thế mà nhiều người nghe đâu có bài thuốc hay, ai mách cái gì cũng liền điều trị. Nhưng nhiều trường hợp bệnh chả thấy khỏi đâu, đến khi bệnh biến chuyển sang giai đoạn nặng, không thể đi lại được nữa mới chịu tìm đến bác sĩ chuyên khoa. Thực sự, lúc này việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn và tỉ lệ hồi phục cũng sẽ thấp hơn.

6. Bỏ ngang liệu trình chữa bệnh

Thoái hóa khớp là căn bệnh mãn tính, cần mất nhiều thời gian để điều trị. Đòi hỏi người bệnh cần có sự kiên trì điều trị, tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Do đó, nhiều người bỏ ngang liệu trình nên mới dẫn đến kết quả thất bại trong cuộc chiến với căn bệnh này.

7. Vận động quá ít hoặc quá nhiều

Nhiều người cho rằng, khi bị thoái hóa khớp gối thì cần phải vận động ít lại, ngồi nghỉ nhiều hơn cho khớp bớt chịu tác động. Cũng không có ít người cũng có ý kiến trái chiều, cần phải vận động nhiều hơn để khớp không bị thoái hóa. Vậy chúng ta nên vận động ít hay nhiều khi bị thoái hóa khớp gối?

Bạn tưởng tượng nhé, tế bào sụn không được nuôi trực tiếp bởi máu mà chúng được cung cấp chất dinh dưỡng từ dịch khớp gối, do đó mà lớp sụn của chúng ta có tình đàn hồi giống như một miếng bọt biển. Khi chúng ta vận động, lớp sụn bị ép dẹp lại, còn khi dở cẳng ra thì lớp sụn phồng lên đẩy dịch khớp vào bên trong khớp gối rồi chúng ta đi dịch khớp bị ép trở lại. Do đó, nếu chúng ta vận động quá ít thì quá trình dinh dưỡng nuôi sụn khớp rất là kém. Nhưng nếu quá trình đó diễn ra thường xuyên cũng rất dễ khiến sụn chết.

Vậy mấu chốt ở đây là chúng ta phải biết cách “bảo dưỡng” sụn khớp, vận động là điều cần thiết. Nhưng hãy làm nó với vừa đúng tầm lực của chúng ta. Tránh vận động quá sức mà gây áp lực lên khớp gối

Giúp bạn hiểu đúng nguyên tắc điều trị bệnh thoái hóa khớp gối

Như bạn đã biết, thoái hóa khớp gối là một căn bệnh mãn tính. Việc lựa chọn đúng phương pháp để điều trị rất quan trọng. Trước khi lên phác đồ điều trị cho bạn, bác sĩ sẽ giúp bạn thăm khám để xác định nguyên nhân và giai đoạn tiến triển của bệnh. Cùng mắc bệnh thoái hóa khớp gối nhưng không phải ai cũng được điều trị giống nhau mà còn phải tùy từng giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị thích ứng với thể trạng và tình trạng bệnh của bạn

Bên cạnh đó, xu hướng điều trị thoái hóa khớp gối là điều trị theo mô hình “đa thức” nghĩa là kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để điều trị. Về cơ bản sẽ là sự kết hợp của việc “uống thuốc – bổ sung dinh dưỡng – luyện tập” nhằm đem lại kết quả điều trị toàn diện tốt nhất cho người bệnh.

>>> Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối hiện nay

Lời khuyên của bác sĩ dành cho người bị thoái hóa khớp gối

– Thực hiện thăm khám và tái khám tại các cơ sở chữa bệnh của uy tín

– Không tự ý bốc thuốc hay tiêm thuốc từ những người không thuộc chuyên khoa

– Uống thuốc đều đặn, đúng giờ, đúng liều lượng mà bác sĩ đã kê đơn và chỉ dẫn

– Thực hiện chế độ ăn và tập luyện hợp lý để giảm cân nếu bạn thừa cân

– Điều chỉnh tư thế sinh hoạt, làm việc sao cho đúng

– Trong quá trình điều trị, nếu bạn cảm thấy có dấu hiệu bất thường hãy liên lạc với bác sĩ của bạn để được hỗ trợ kịp thời.

Lời kết

Thoái hóa khớp là căn bệnh cần được điều trị lâu dài. Do đó, bạn không được quá nóng vội, tránh mắc những sai lầm đáng tiếc trong quá trình điều trị. Nếu có thể, bạn hãy thường xuyên trao đổi thông tin với bác sĩ chuyên khoa, điều này sẽ giúp bạn an tâm khi thực hiện điều trị. Hi vọng bài viết trên cung cấp cho bạn nhiều thông tin bổ ích

Link tham khảo:

  1. https://physiocareathome.com/4-mistakes-people-make-with-knee-and-hip-osteoarthritis/
  2. https://suckhoedoisong.vn/chua-thoai-hoa-khop-goi-nhung-sai-lam-khien-cang-chua-cang-nang-n139208.html

Cập nhật lúc: 17/01/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm »
vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

Bài Đọc Nhiều Nhất

Loading...