Người già bị đau khớp: Cần làm gì?

Người cao tuổi có xu hướng thường xuyên bị đau nhức các khớp trong cơ thể. Họ cho rằng đây là một phần của lão hóa và muốn tự điều trị hoặc âm thầm chịu đựng cơn đau. Nhưng cơn đau không được điều trị, các cơn đau nhức này có thể trở thành mãn tính và làm giảm chất lượng cuộc sống của họ rất nhiều.

Người cao tuổi và bệnh xương khớp

Người cao tuổi thường đánh giá sức khỏe của họ theo những gì có thể mong đợi đối với một người ở độ tuổi của họ, như:

Hiện tại, tôi thấy mình rất khỏe mạnh so với lứa tuổi của mình. Tôi cảm thấy mình trẻ hơn rất nhiều so với thực tế và hy vọng điều này sẽ tiếp tục.

hay là

Tôi cảm thấy mình khỏe, đầu óc minh mẫn, trí nhớ ổn. Tôi cũng có những cơn đau xương khớp nhưng tuổi già gặp vấn đề với sức khỏe là chuyện thường mà.

Hầu hết người cao niên đều cho rằng tuổi tác là đi kèm với bệnh tật, vì thế họ âm thầm chịu đựng cơn đau nhức và tự điều trị tại nhà. Đúng là bệnh xương khớp có xu hướng tăng dần theo độ tuổi, nhưng tình trạng này không phải là một phần tất yếu của sự lão hóa. Bởi những người trẻ tuổi cũng có thể mắc các bệnh liên quan tới xương khớp.

Hơn thế nữa, các cơn đau nhức xương khớp ở người cao tuổi không chỉ là gây đau đơn thuần, nó còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống, cản trở các công việc thường ngày (tắm, đi lại, hay thậm chí là mở bình nước cũng trở nên khó khăn), trở thành gánh nặng cho gia đình…

Chính vì thế, người già không nên bỏ qua việc điều trị đau xương khớp. Bạn không cần phải chấp nhận một cuộc sống kém chất lượng hơn chỉ vì bạn đã cao tuổi. Cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc là điều có thể diễn ra trong suốt cuộc đời của một người.

Người già không nên bỏ qua việc điều trị đau xương khớp. Bạn không cần phải chấp nhận một cuộc sống kém chất lượng hơn chỉ vì bạn đã cao tuổi (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân phổ biến gây đau nhức ở người già

Thoái hóa khớp (OA)

Thoái hóa khớp hay viêm xương khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất ở người cao tuổi. Hầu hết những người trên 60 tuổi đều bị thoái hóa khớp ở một mức độ nào đó, tùy thuộc vào từng cá nhân mà mức độ nghiêm trọng sẽ khác nhau.

Bệnh xảy ra khi sụn trong khớp bắt đầu bị hao mòn và phá vỡ, hai đầu xương có sự thay đổi. Thoái hóa khớp phát triển một cách từ từ và dần trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, nó gây ra tình trạng đau, cứng và sưng khớp. Tệ nhất là một số người có thể bị tàn tật và mất khả năng lao động.

Khớp vai đông lạnh

Hội chứng khớp vai đông lạnh cũng là một nguyên nhân phổ biến gây đau và cứng khớp ở những người từ 40 đến 70 tuổi. Bệnh xảy ra khi bao mô liên kết bao quanh xương, dây chằng và gân vai của bạn bị dày lên, bó chặt quanh khớp vai, làm hạn chế của động của nó.

Hiện tại, người ta vẫn chưa hiểu hoàn toàn các nguyên nhân gây ra hội chứng này. Nó thường có xu hướng phát sinh khi vai bị bất động trong một thời gian dài sau phẫu thuật, chấn thương hoặc bệnh tật.

Viêm khớp dạng thấp (RA)

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch nghiêm trọng, xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị nhầm lẫn, tấn công vào chính các tế bào khỏe mạnh cả cơ thể. Nó thường tấn công nhiều khớp cùng một lúc.

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường biểu hiện ở độ tuổi từ 30 đến 35 và bắt đầu khởi phát ở tuổi 60 đến 65, lúc này nó còn được gọi là viêm khớp dạng thấp khởi phát muộn hay viêm khớp dạng thấp cao tuổi khởi phát.

RA khởi phát muộn có một số khác biệt so với RA khởi phát sớm (xảy ra ở người trưởng thành trẻ tuổi và trung niên):

  • Phụ nữ và nam giới bị RA khởi phát muộn có tỉ lệ gần như nhau, trong khi đó RA khởi phát sớm thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ;
  • Các triệu chứng của RA khởi phát muộn thường diễn ra nhanh chóng, còn RA khởi phát sớm các triệu chứng có xu hướng biển hiện theo thời gian;
  • RA ở người cao tuổi thường tấn công các khớp lớn, như vai. Với những người trẻ hơn, bệnh chủ yếu bắt đầu ở các khớp nhỏ, như ngón tay và ngón chân.

Bệnh gút

Bệnh gút thường được cho là của đàn ông cao tuổi, bưởi nó có độ tuổi khởi phát trung bình từ 60 trở lên. Tuy nhiên thời gian gần đây, người ta nhận thấy gút có xu hướng khởi phát sớm hơn với các báo cáo về tỉ lệ mắc cao ở độ tuổi từ 30 đến 39.

Bệnh gút là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp, nó được đặc trưng bởi các cơn đau đột ngột, dữ dội, sưng và đỏ ở các khớp, thường là khớp gốc ngón chân cái.

Bệnh gút gây ra bởi một tình trạng được gọi là tăng axit uric trong máu. Khi có quá nhiều axit uric trong cơ thể, các tinh thể axit uric (monosodium urat) có thể tích tụ trong khớp, chất lỏng và các mô trong cơ thể. Cơn gút có thể xảy ra đột ngột, khiến bạn thường thức giấc lúc nửa đêm với cảm giác ngón chân cái như bị bỏng.

Ngoài việc dẫn đến bệnh viêm khớp ăn mòn, bệnh gút còn có thể dẫn đến các bệnh về thận, tim mạch và mạch máu não, làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân và tăng gánh nặng cho xã hội và y tế.

Xem thêm: 20 nguyên nhân chủ yếu gây đau nhức xương khớp

Điều trị đau nhức khớp ở người cao tuổi

Điều trị y tế

Để điều trị đau nhức xương khớp cho người già hiệu quả, đầu tiên cần xác định được nguyên nhân gây bệnh rồi mới lên phác đồ điều trị. Tùy thuộc vào mỗi nguyên nhân mà sẽ có cách điều trị khác nhau.

Về cơ bản, có một số lựa chọn điều trị như sau:

  • Sử dụng thuốc (các loại thuốc giảm đau, kháng viêm đường uống; thuốc chống thấp khớp; thuốc tiêm; thuốc bôi;…)
  • Vật lý trị liệu (các bài tập; chiếu đèn hồng ngoại; nhiệt trị liệu; sử dụng điện xung và điện phân; châm cứu bấm huyệt;…)
  • Phẫu thuật.

Song song với đó, bệnh nhân cao tuổi nên có một chế độ sinh hoạt hợp lý tùy theo điều kiện của mỗi người; hạn chế mang vác nặng, làm các động tác quá sức.

Đặc biệt cần duy trì một chế độ tập luyện và phục hồi chắc năng đều đặn, hết sức tránh bất động khớp (trừ giai đoạn viêm cấp). Bởi nếu không vận động, khớp càng dễ bị cứng, giảm tiết dịch, xơ hóa, teo cơ, dần dần có thể dẫn đến mất chức năng khớp.

Xem thêm: Điều trị đau xương khớp – Tổng hợp các phương pháp

Đau nhức xương khớp ở người già có thể điều trị được (Ảnh minh họa)

Các bài tập cho người cao tuổi bị đau khớp

Khi nói đến tập thể dục, bạn hãy thực hiện những bài tập mà bạn thích. Tuy nhiên, hãy chú ý để không bị chấn thương, các vấn đề về thăng bằng và các giới hạn về phạm vi mà bạn có thể gặp phải.

Giả sử bác sĩ của bạn không đưa ra bất kỳ loại bài tập cụ thể nào, bạn có thể thử một số bộ môn sau:

  • Bơi lội. Bơi lội, tập thể dục nhịp điệu dưới nước hoặc chỉ đi bộ trong hồ bơi cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe khớp. Bơi lội không tạo nhiều áp lực cho khớp, ngược lại nó còn giúp nâng đỡ khớp, làm khớp linh hoạt hơn.
  • Yoga. Nếu bạn chưa quen với yoga, hãy tìm một lớp học cho người mới bắt đầu và giáo viên biết rằng bạn bị đau khớp. Họ có thể sẽ hướng dẫn bạn các tư thế phù hợp hơn cho bệnh tình của bạn. Với sự kiên nhẫn và thời gian, bạn sẽ ngạc nhiên vì những lợi ích mà yoga mang lại cho bạn.
  • Các bài tập với dây kháng lực. Dây kháng lực là những dây làm bằng cao su với độ bền cực tốt và độ đàn hồi cao, dùng để thay thế tạ tay khi tập luyện. Đây là dụng cụ rất tốt cho những người mới bắt đầu, nó giúp tăng sức mạnh, độ linh hoạt cho khớp và cải thiện tư thế.
  • Đi dạo. Đây là cách tự nhiên nhất và đối với nhiều người là cách dễ nhất để bắt đầu thói quen tập thể dục. Chỉ cần mang một đôi giày thoải mái và đi thôi! Như với mọi hình thức tập thể dục, hãy bắt đầu từ nơi bạn đang ở, đi bộ 2 lần trong vòng mười lăm phút quanh khu nhà. Sau đó cố gắng mỗi ngày đi xa hơn một chút. Đi bộ giúp củng cố xương, tăng tính linh hoạt của khớp và tăng cường sức khỏe nói chung.
  • Ngoài ra bạn cũng có thể thử một số hoạt động như khiêu vũ hay thái cực quyền.
Yoga rất tốt cho những người cao niên bị đau xươg khớp (Ảnh minh họa)

Quà tặng cho người cao tuổi bị đau khớp

Nếu bạn có người thân bị đau khớp, bạn có thể tặng họ một số món quà để hỗ trợ họ tốt hơn, chẳng hạn như:

  • Dụng cụ mở hũ tự động. Ai mà chưa từng vật lộn với cái nắp lọ, điều này càng khó khăn hơn khi bị đau khớp, đặc biệt nếu bị đau ở bàn tay. Vì thế, tặng người thân một dụng cụ mở hũ tự động có thể sẽ giúp người thân yêu của bạn độc lập hơn và có được một bữa sáng như ý muốn.
  • Gậy đi bộ có thể điều chỉnh kích thước. Gậy đi bộ hỗ trợ người cao niên giữ thăng bằng và ổn định khi họ thực hiện các hoạt động hằng ngày. Tặng người thân một chiếc gậy đi bộ giống như trao quyền tự do đi lại cho họ, khiến họ cảm thấy sống một cách tự lập và không phụ thuộc vào con cháu.
  • Đèn bàn cảm ứng. Người già đôi khi rất khó khăn trong việc bật mở công tắc đèn, nhất là khi họ còn có các vấn đề về xương khớp nữa. Vì thế, một chiếc đèn bàn cảm ứng rõ ràng là một sự trợ giúp tuyệt vời cho một người cao niên có vấn đề về việc sử dụng khớp.

Kết luận

Đau nhức xương khớp là một tình trạng phổ biến ở người già. Tuy nhiên, người cao niên không nên mặc định độ tuổi của họ là độ tuổi của bệnh tật, việc điều trị sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại cho bạn cuộc sống hạnh phúc, nhẹ nhàng.

Cập nhật lúc: 17/01/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm »
vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

Bài Đọc Nhiều Nhất

Loading...