Đau xương sống: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Đau xương sống, đau lưng và đau ở vùng thắt lưng là những triệu chứng đau nhức rất phổ biến. Nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc và là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật, suy nhược ở người bệnh. 

Đau xương sống – Căn bệnh ai cũng có thể gặp

Cột sống hay xương sống của chúng ta được tạo thành từ 33 đến 35 đốt sống, đĩa đệm, tủy sống, dây thần kinh, dây chẳng và cơ bắp. Cột sống nằm ở trung tâm bộ xương, kéo dài từ dọc sống lưng xuống dưới. Phần trên cột sống nối với hộp sọ, phần dưới nối với xương háng, các phần thân nối với xương vai, xương sườn.

Xương sống có những vai trò vô cùng quan trọng với cuộc sống của con người. Nó như một cây trụ cột giúp chúng ta có thể đứng thẳng, giúp cho đầu, thân và các chi có thể vận động linh hoạt, đa dạng, thoải mái. Nhờ đó mà con người có thể hoạt động, sinh hoạt, thể thao, vui chơi, giải trí,…

Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng sẽ bị đau xương sống ít nhất một lần trong đời. Đau xương sống được phân thành hai loại:

  • Cơn đau cấp tính bắt đầu đột ngột và kéo dài khoảng 6 tuần.
  • Cơn đau mãn tính phát triển trong một thời gian dài hơn, kéo dài hơn 3 tháng.

Trong một số trường hợp, có những người gặp cả các cơn đau dữ dội và đau nhẹ liên tục xen kẽ nhau, điều này khiến bác sĩ khó xác định xem họ bị đau xương sống mãn tính hay cấp tính.

Đau xương sống là một trong những lý do phổ biến khiến mọi người phải bỏ lỡ công việc hay những hoạt động thường ngày trong cuộc sống. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật trên toàn thế giới. Nhưng may mắn là, đau xương sống có thể chữa trị và phòng ngừa được.

Triệu chứng

Triệu chứng chính

  • Gặp các cơn đau đột ngột, sắc nét, dai dẳng. Các cơn đau này thường tập trung ở một khu vực cụ thể, như: lưng hoặc cổ, sau đó lan tỏa ra vai, cánh tay, thắt lưng, mông, chân, thậm chí là bàn chân. Khi xương sống bị đau, nó khiến bệnh nhân khó duy trì tư thế bình thường, thậm chí khi nằm xuống nghỉ ngơi các cơn đau có thể cũng không cải thiện.

Nếu bị đau ở vùng cổ hay ngực và không lan tỏa vào cánh tay, quanh ngực hoặc xuống chân, thường bệnh chỉ ở các mô mềm trung ương hoặc cột sống. Còn nếu đau lan tỏa từ cột sống vào tứ chi hoặc thành ngực, thì thường là do dây thần kinh bên trong cột sống bị chèn ép.

Các cơn đau xương sống có thể khởi phát đột ngột hoặc đau mãn tính dai dẳng (Ảnh minh họa)

Triệu chứng đi kèm

  • Cứng khớp ở vùng thắt lưng, làm hạn chế phạm vi chuyển động;
  • Gặp các triệu chứng thần kinh: Ngứa ran, tê yếu tay chân, tê quanh bộ phận sinh dục, tê quanh hậu môn, tê quanh mông,..
  • Co thắt cơ bắp khi hoạt động hoặc nghỉ ngơi;
  • Mất chức năng vận động, như: khả năng nhón chân hay nhấc gót chân;
  • Các vấn đề về cột sống thậm chí có thể ảnh hưởng đến cả ruột và bàng quang, gây ra: tiểu không tự chủ, khó tiểu,
    đại tiện khó hoặc mất kiểm soát nhu động ruột…
  • Giảm cân không rõ lý do;
  • Sốt;
  • Viêm hoặc sưng ở lưng.

Nguyên nhân

Do tư thế hoặc công việc hằng ngày

Đau xương sống có thể là kết quả của việc bạn thực hiện sai một số tư thế hoặc do tính chất công việc của bạn, như:

  • Phải mang vác hoặc đẩy, kéo, nâng vật nặng trên lưng, lặp đi lặp lại trong thời gian dài;
  • Lái xe đường dài mà không được nghỉ ngơi;
  • Đứng hoặc ngồi quá lâu;
  • Ngủ trên nệm có tính đàn hồi kém khiến cột sống không được giữ thẳng;
  • Sử dụng máy tính sai tư thế (cúi người về phía trước, lưng không có điểm tựa,…);
  • .v.v.

Nếu bạn có chế độ dinh dưỡng kém, các tư thế khiến căng cơ cột sống liên tục trên có thể gây ra đau cột sống, co thắt cơ bắp nghiêm trọng.

Thường xuyên mang, vác đồ nặng có thể gây ra đau xương sống (Ảnh minh họa)

Đĩa đệm cột sống có vấn đề

Đĩa đệm cột sống là một bộ phận gồm hai phần, phần nhân nhầy và phần bao xơ; nó nằm giữa những đốt sống liền kề nhau. Các đĩa đệm này có 3 chức năng chính là:

  • Hoạt động như một chất hấp thụ sốc trong cột sống;
  • Hoạt động như những dây chằng cứng, giúp giữ các đốt sống của cột sống liên kết lại với nhau;
  • Chúng là các khớp sụn cho phép cột sống di chuyển linh hoạt.

Đĩa đệm khỏe mạnh là tiền đề quan trọng để cột sống vững vàng. Vì thế, bất kỳ vấn đề nào xảy ra với đĩa đệm cũng có thể gây ra tình trạng đau xương sống.

Một số vấn đề về đĩa đệm thường gặp là: Vỡ đĩa đệm, phình đĩa đệm (gây chèn ép lên dây thần kinh, dẫn đến đau lưng); thoát vị đĩa đệm (là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường của nó, chèn ép vào dây thần kinh và màng tủy, gây đau xương sống, tê, ngứa ran hoặc yếu tay chân); thoái hóa đĩa đệm (theo thời gian, các đĩa đệm trở lên khô cứng, không có khả năng điều chỉnh nữa, dẫn tới tình trạng đau cột sống), xẹp đĩa đệm, gặp các chấn thương làm hỏng đĩa đệm,…

Một số bệnh xảy ra ở đĩa đệm cũng có thể gây ra tình trạng đau xương sống (Ảnh minh họa)

Đau thần kinh tọa

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể chúng ta. Nó bắt đầu ở lưng dưới và tách ra để chạy qua hông, mông, chân và bàn chân. Đau thần kinh tọa đề cập đến các cơn đau tỏa ra dọc theo đường đi của thần kinh tọa.

Đau thần kinh tọa thường xảy ra khi bạn bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa xương cột sống trên hoặc bị hẹp cột sống, khiến một phần của dây thần kinh bị chèn ép, gây ra đau, viêm và tê.

Viêm khớp cột sống

Viêm khớp cột sống là tình trạng viêm của các khớp mặt ở cột sống hoặc khớp sacroiliac (khớp cùng chậu) giữa cột sống và xương chậu. Đôi khi, viêm cũng có thể ảnh hưởng đến các vị trí nơi dây chằng và gân bám vào xương cột sống.

Có hơn 100 loại viêm khớp cột sống khác nhau, như: viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp ở cột sống, thoái hóa cột sống, viêm cột sống không phân biệt,…

Cong, vẹo cột sống

Nếu cột sống bị cong một cách bất thường hoặc cột sống bị vẹo sang một bên, tình trạng đau xương sống có thể xảy ra.

Thông thường, các nguyên nhân gây cong vẹo cột sống không được biết đến. Nó thường xảy ra trong giai đoạn tăng trưởng trước dậy thì hoặc do một số nguyên nhân y tế như: bại não, loạn dưỡng cơ,…

Loãng xương

Loãng xương là một bệnh lý xương khớp nghiêm trọng, xảy ra khi quá trình phân hủy xương diễn ra nhanh hơn quá trình tái tạo xương, khiến mật độ xương giảm đi, xương trở nên giòn, xốp, dễ gãy. Gãy xương liên quan đến loãng xương thường xảy ra ở hông, cổ tay hoặc cột sống.

Theo hướng nhìn, bên trái: Xương khỏe mạnh; bên phải: Loãng xương (Ảnh minh họa)

Hẹp ống sống

Hẹp ống sống là tình trạng phổ biến, xảy ra khi ống tủy nhỏ chứa rễ thần kinh và tủy sống bị đè nén, chèn ép. Điều này dẫn đến tình trạng đau, chuột rút, yếu cơ hoặc tê liệt. Tùy thuộc vào vị trí bị hẹp, bạn có thể cảm thấy những triệu chứng này ở lưng dưới, chân, cổ, vai hoặc cánh tay.

Gãy hoặc chấn thương xương sống

Nếu bạn gặp tai nạn hoặc bị một lực tác động mạnh vào cột sống, cột sống có thể bị chấn thương hoặc quá tải chịu đựng, gây ra gãy. Điều này dẫn đến tình trạng đau xương sống và nhiều triệu chứng liên quan khác.

Nhiễm trùng cột sống

Nhiễm trùng cột sống là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Nó thường gây tổn thương ở đĩa đệm rồi sau đó tấn công vào thân đốt sống cùng các thành phần xung quanh.

Có 3 con đường chính để vi khuẩn xâm nhập vào cột sống:

  • Vi khuẩn đi theo đường tĩnh mạch hoặc bạch mạch;
  • Lây qua các ổ nhiễm trùng cạnh cột sống
  • Do tai biến điều trị.
Nhiễm trùng cột sống có thể gây ra tình trạng đau ở xương sống (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân phổ biến gây đau xương sống trên, có một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tình trạng này. Có thể kể tới là:

  • Hội chứng Equina Cauda (Cauda Equine là một bó rễ thần kinh cột sống xuất phát từ đầu dưới của tủy sống);
  • Ung thư cột sống;
  • Nhiễm trùng vùng chậu, bàng quang hoặc thận;
  • Rối loạn giấc ngủ (những người bị rối loạn giấc ngủ có nguy cơ bị đau xương sống cao hơn so với những người khác)
  • Bệnh zona (bệnh này có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh và dẫn đến đau lưng, đau xương sống)
  • Sỏi thận;
  • Vấn đề thần kinh (gặp các vấn đề về dây thần kinh có thể gây đau, tê, yếu trên khắp cơ thể của bạn, bao gồm cả xương sống);
  • .v.v.

Các yếu tố rủi ro

Các yếu tố sau làm bạn tăng nguy cơ mắc bệnh đau xương sống, gồm:

  • Thai kỳ;
  • Lối sống ít vận động;
  • Thể lực kém;
  • Tuổi tác (khi bạn già đi, bạn dễ gặp các vấn đề liên quan đến xương khớp hơn);
  • Béo phì, thừa cân;
  • Hút thuốc;
  • Di truyền;
  • Giới tính (đau thắt lưng có xu hướng phổ biến ở phụ nữ hơn đàn ông, có thể là do yếu tố nội tiết gây ra);
  • .v.v.
Tuổi tác làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau xương sống (Ảnh minh họa)

Chẩn đoán

Nếu bạn bị đau xương sống hơn 2 tuần và các triệu chứng không cải thiện như mong đợi hoặc nếu cơn đau của bạn trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, bạn nên lên lịch đi khám với bác sĩ.

Để chẩn đoán đau xương sống, các bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm kiểm tra như:

X-quang. Giúp bác sĩ nhìn thấy rõ cấu trúc của đốt sống và đường viền của khớp. Tức là nếu bạn có các sai lệch cột sống, khối u, gãy xương,… X-quang có thể chỉ ra các vấn đề này.

Chụp cộng hưởng từ (MRI). Phương pháp này cho phép tạo ra các hình ảnh 3 chiều của cấu trúc cơ thể. MRI cho hình ảnh chi tiết hơn về tủy sống, rễ thần kinh và các khu vực xung quanh…

Chụp cắt lớp vi tính. Là phương pháp chụp hình sử dụng X-quang. Máy CT chạy vòng quanh cơ thể bệnh nhân, phát sóng X-quang và đo độ hấp thụ năng lượng tia X của các cấu trúc khác nhau của thể. Sau đó, máy sẽ ráp các thông tin này để tạo ra hình ảnh của cơ thể trên không gian 2 hoặc 3 chiều.

Quét xương. Giúp phát hiện khối u xương, gãy xương do loãng xương, nhiễm trùng xương hoặc các chấn thươn không nhìn thấy được trên X-quang tiêu chuẩn. Nếu bạn bị đau xương sống không rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể đề nghị quét xương.

Điện cơ đồ (EMG). Là một kỹ thuật y học chẩn đoán điện để đánh giá và ghi lại hoạt động điện được tạo ra bởi cơ xương. Phương pháp này giúp xác định các bệnh thần kinh cơ.

Xét nghiệm máu. Được chỉ định nếu bác sĩ nghi ngờ có nhiễm trùng.

Máy chụp cộng hưởng từ (Ảnh minh họa)

Điều trị đau xương sống

Khắc phục tại nhà

Nghỉ ngơi. Một số tình trạng đau xương sống do chèn ép thần kinh cấu trúc từ thoát vị đĩa đệm có thể được cải thiện bằng việc nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn, khoảng 1 đến 3 ngày.

Thuốc giảm đau không kê đơn. Chẳng hạn như acetaminophen, ibuprofen (Advil, Motrin IB,..) hoặc naproxen natri (Aleve) có thể giúp giảm các cơn đau xương sống cấp tính từ nhẹ tới trung bình. Lưu ý, sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của dược sĩ.

Sử dụng liệu pháp nóng hoặc lạnh. Áp một túi chườm nóng hoặc chườm lạnh vào khu vực đau cũng có thể giúp giảm đau trong một thời gian ngắn.

Chú ý tới tư thế. Hãy lựa chọn các loại đệm có khả năng nâng đỡ tốt và chú ý tới tư thế khi bạn ngủ. Ngoài ra, hãy chú ý cả tư thế khi bạn hoạt động, ngồi hay làm việc.

Vận động cơ thể. Các bài tập giúp làm giảm đau lưng rất hiệu quả, đặc biệt là bơi lội. Tập thể dục trong nước còn được gọi là liệu pháp thủy sinh, nó giúp cơ xương khớp linh hoạt hơn nhưng lại an toàn, thoải mái do có sự hỗ trợ trọng lượng từ nước. Ngoài ra, yoga, đi bộ hay các bài tập cơ bụng, cơ lưng cũng giúp ổn định cột sống của bạn.

Vận động cơ thể là một trong những phương pháp điều trị đau xương sống mang lại hiệu quả cao (Ảnh minh họa)

Điều trị y tế

Thuốc. Nếu tình trạng đau xương sống của bạn không đáp ứng tốt với các loại thuốc giảm đau không kê đơn, bạn có thể sẽ cần dùng tới thuốc giảm đau theo toa.

Một số loại thuốc theo toa được bác sĩ kê để điều trị đau xương sống là:

  • Thuốc giảm đau không steroid (NSAID) theo toa, như: celecoxib (Celebrex), diclofenac (Voltaren), meloxicam (Mobic), nabumetone (Relafen)
  • Thuốc giãn cơ. Được chỉ định thêm nếu NSAID theo toa không mang lại hiệu quả. Ngoài ra nó đặc biệt hữu ích cho các chấn thương cột sống cấp tính. Một số loại thuốc giãn cơ có thể kể tới là: Xyclobenzaprine (Flexeril), Tizanidine (Zanaflex), Baclofen (Lioresal), Carisoprodol (Soma)
  • Opioids. Trong một số trường hợp, cả NSAID theo toa và thuốc giãn cơ đều không mang lại hiệu quả thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc có opioid.
  • Thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống động kinh, như amitriptyline, Cymbalta, Pregabalin, Neurontin,… Các loại thuốc này có thể giúp giảm đau xương sống mà nguyên nhân là bởi các vấn đề thần kinh.
  • Một số loại thuốc bôi theo toa.

Lưu ý: Tất cả các loại thuốc theo toa kể trên đều cần chỉ định của bác sĩ. Bởi nếu dùng không đúng, thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ vô cùng nghiêm trọng, thậm chí là gây nghiện hay ảnh hưởng tới tính mạng.

Một loại thuốc theo toa được dùng để điều trị đau xương sống

Tiêm Cortisone. Nếu thuốc uống hay thuốc bôi không mang lại hiệu quả, tiêm cortisone có thể là một lựa chọn khác. Cortisone là một loại thuốc chống viêm, nó giúp giảm viêm đau quanh rễ thần kinh hoặc để gây tê những vùng được cho là nguyên nhân gây đau xương sống.

Tác dụng phụ của việc tiêm cortisone quá mức là: giảm xương, tăng cân, khả năng xử lý lượng đường trong máu của cơ thể bị suy giảm,.v.v. Chính vì thế, bệnh nhân không được tiêm quá 3 mũi cortisone mỗi năm và cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình tiêm.

Tiêm Botox. Botulinum toxin A (Botox) là một loại protein được sản xuất bởi vi khuẩn Clostridium botulinum, cùng loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm botulism. Khi được tiêm vào cơ với số lượng nhỏ, Botox có thể ngăn chặn hoặc giảm co thắt cơ bằng cách chặn tín hiệu thần kinh đến cơ. Tiêm Botox có thể giúp giảm đau xương sống trong khoảng 3 đến 4 tháng.

Liệu pháp bổ sung

Các liệu pháp bổ sung có thể được sử dụng kết hợp với các liệu pháp điều trị y tế hoặc điều trị tại nhà:

Vật lý trị liệu. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ thực hiện đánh giá chuyên sâu, kết hợp với chẩn đoán của bác sĩ để đưa ra một phương pháp điều trị được thiết kế riêng dành cho bạn. Trị liệu có thể bao gồm: thực hiện các lực kéo vùng chậu, xoa bóp nhẹ nhàng, liệu pháp băng và nhiệt, siêu âm, kích thích cơ điện và các bài tập kéo dài.

Bệnh nhân sẽ được khuyến khích thực hành các kỹ thuật này thường xuyên, ngay cả sau khi hết đau, để ngăn ngừa đau xương sống tái phát.

Vật lý trị liệu giúp giảm đau xương sống hiệu quả (Ảnh minh họa)

Liệu pháp shiatsu. Còn được gọi là liệu pháp áp lực ngón tay. Đây là một phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật bấm huyệt, kéo dài và massage phương Tây. Nó liên quan đến việc dùng ngón tay cái cùng các ngón tay khác và lòng bàn tay để tạo áp lực lên các điểm đặc biệt, hoặc khu vực cần thiết để duy trì tinh thần, thể chất và điều trị bệnh.

Châm cứu. Châm cứu giúp cơ thể giải phóng hormone giảm đau tự nhiên – endorphin, cũng như kích thích các dây thần kinh và mô cơ. Từ đó giúp giảm đau xương sống hiệu quả.

Kích thích dây thần kinh xuyên da (TENS). Đây là một liệu pháp phổ biến cho bệnh nhân bị đau xương sống mãn tính. Máy TENS cung cấp các xung điện nhỏ vào cơ thể thông qua các điện cực được đặt trên da, nó kích thích cơ thể sản xuất endorphin và có thể chặn các tín hiệu đau quay trở lại não.

Liệu pháp TENS cần được sử dụng dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

Trị liệu hành vi nhận thức (CBT). CBT có thể giúp kiểm soát chứng đau lưng và đau xương sống mãn tính bằng cách khuyến khích những cách suy nghĩ mới. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn các kỹ thuật thư giãn và cách duy trì một thái độ tích cực.

Phẫu thuật

Phẫu thuật để điều trị đau xương sống là rất hiếm. Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như bệnh nhân bị các vấn đề ở đĩa đệm, có đau liên tục và bị chèn ép dây thần kinh dẫn đến yếu cơ, phẫu thuật có thể được chỉ định.

Phòng ngừa đau xương sống

Đau xương sống có thể xảy ra bất kì lúc nào vào bất kì thời điểm nào trong cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, để phòng ngừa bệnh xảy ra hoặc phòng tránh tái phát sau điều trị một cách tối đa nhất, bạn nên:

  • Tích cực luyện tập thể dục thể thao ngay từ khi còn trẻ;
  • Duy trì tư thế đúng khi bạn ngồi, đứng hay ngủ;
  • Không hút thuốc;
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Đảm bảo chế độ ăn uống của bạn cân bằng giữa các nhóm thực phẩm, đặc biệt cần bổ sung đủ canxi và vitamin D, vì đây là những chất rất cần thiết cho sức khỏe của xương.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Nâng, mang vác, kéo vật nặng đúng cách;
  • Hạn chế đi giày cao gót;
  • .v.v.

Cập nhật lúc: 17/01/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm »
vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

Bài Đọc Nhiều Nhất

Loading...