7 dấu hiệu ban đầu cảnh báo bệnh xương khớp

Bệnh lý xương khớp là các bệnh lý tiến triển theo thời gian. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, chúng có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người mắc, thậm chí là gây ra tàn tật và thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Vì thế, bạn nên chú ý tới 7 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh lý xương khớp dưới đây nhé!

7 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh xương khớp

Đau

Đau là triệu chứng nổi bật nhất của các bệnh lý xương khớp. Cơn đau có thể phát sinh từ các cấu trúc bên trong hoặc liền kề khớp, đôi khi nó cũng có thể xuất phát từ những cấu trúc xa hơn. Các nguồn có thể gây ra đau khớp là những tổn thương ở bao khớp, màng xương, dây chằng, sụn, màng hoạt dịch, hai đầu xương, các đầu dây thần kinh,…

Bạn có thể bị đau một khớp hoặc nhiều khớp, cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng, khởi phát đột ngột hoặc diễn ra dai dẳng, cơn đau có thể tăng hoặc không tăng khi sử dụng khớp, giảm hoặc không giảm khi nghỉ ngơi. Tùy từng nguyên nhân, bạn có thể cảm nhận cơn đau theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như:

Ở bệnh viêm khớp dạng thấp (RA), bạn cảm thấy cơn đau dường như tăng lên khi nghỉ ngơi và không đau tăng khi sử dụng khớp. Cơn đau đối xứng ở nhiều khớp (điều này làm cho RA khác với các bệnh lý khớp khác), ví dụ bạn sẽ thấy đau ở cả hai cổ tay trái và phải, hai đầu gối hay hai bàn tay. Khi chạm vào khớp có thể cảm giác như bị bong gân hay gãy xương. Cơn đau khu trú, giới hạn ở trong và xung quanh khớp.

Ở bệnh thoái hóa khớp, cơn đau mang tính chất mãn tính, đau tăng lên khi sử dụng khớp hoặc sau một thời gian dài không hoạt động và giảm khi nghỉ ngơi, mức độ đau sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Ở bệnh viêm bao hoạt dịch khớp, cơn đau thường xảy ra đột ngột, trở nên tồi tệ hơn khi vận động, sử dụng khớp. Đôi khi cơn đau có thể làm ảnh hưởng tới giấc ngủ. Không giống như các bệnh viêm khớp, đau trong viêm bao hoạt dịch khớp thường ở các bộ phận xa khớp.

Đau là triệu chứng nổi bật nhất của các bệnh lý xương khớp. Bạn có thể đau bất kì khớp nào trên cơ thể (Ảnh minh họa)

Cứng khớp

Cứng khớp là cảm giác khó cử động khớp hoặc mất phạm vi cử động rõ ràng của khớp, bệnh nhân nhận thấy một khớp (hoặc nhiều khớp) không thể di chuyển xa như trước đây.

Cứng khớp còn là một triệu chứng cho thấy một số bệnh viêm khớp đã bước vào giai đoạn tiến triển hơn, như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp hay viêm cột sống dính khớp,…

Mức độ cứng khớp có thể nhẹ và chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động trong một khoảng thời gian ngắn (như vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc sau khi ngồi một chỗ trong thời gian dài); hoặc nó cũng có thể nghiêm trọng, gây khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Tình trạng cứng khớp này đa phần xảy ra sau một thời gian không hoạt động và thường có thể thuyên giảm bằng cách nhẹ nhàng kéo căng, xoa bóp khớp hoặc di chuyển vùng bị ảnh hưởng.

Giảm tính linh hoạt khớp

Tính linh hoạt của khớp hay độ dẻo dai của khớp đề cập đến phạm vi chuyển động của một khớp hoặc một loạt khớp và chiều dài của các cơ cắt ngang các khớp để tạo ra chuyển động hoặc chuyển động uốn cong. Có những phạm vi chuyển động được coi là bình thường đối với các khớp khác nhau trong cơ thể.

Chẳng hạn: khớp đầu gối bình thường có thể uốn cong trong khoảng từ 133 đến 153 độ và có thể mở rộng để nó hoàn toàn thẳng.

Khi khớp bị giảm tính linh hoạt thì tức là nó không thể đạt được phạm vi di chuyển bình thường. Mất tính linh hoạt khớp thường là một quá trình diễn ra rất từ ​​từ.

Giảm phạm vi chuyển động của khớp thường diễn ra khi bạn già đi, đây là hiện tượng bình thường. Nhưng nó cũng có thể xảy ra ở một số bệnh lý xương khớp như: viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, trật khớp, gãy xương,…

Sưng

Sưng khớp xảy ra do sự tích tụ chất lỏng trong các mô mềm xung quanh khớp. Bác sĩ có thể gọi tình trạng này là tràn dịch trong khớp. Khi khớp bị sưng, nó trông lớn hơn đáng kể so với bình thường hoặc có hình dạng bất thường, đi kèm theo đó là cảm giác đau nhức, cứng khớp, có thể đỏ, ấm khi chạm vào.

Khớp có thể sưng nhiều hơn sau khi hoạt động thể chất hoặc khi tình trạng bệnh đã trở nên nặng hơn.

Các khớp ngón tay bị sưng lên

Đỏ khi nhìn, nóng ấm khi chạm vào

Đỏ khớp là hiện tượng vùng da xung quanh khớp trở nên đỏ hơn các vùng da xung quanh khi nhìn bằng mắt thường. Chạm vào có thể cảm thấy nóng ấm và khó chịu. Đỏ và nóng khớp xảy ra do sự tăng lưu lượng máu ở nhiệt độ lõi cơ thể đến vị trí bị viêm.

Nó thường đi kèm với tình trạng sưng tấy khớp.

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà bạn có thể bị nóng đỏ một hoặc nhiều khớp cùng một lúc.

Khớp đầu gối bị đỏ

Biến dạng khớp

Biến dạng khớp xảy ra khi 2 đầu xương tạo khớp không còn ở vị trí bình thường như nó vốn có hoặc do các mẩu xương thừa lắng đọng xung quanh khớp, làm cho các khớp hơi biến dạng, trông to hơn.

Biến dạng khớp có thể có nhiều dạng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và khớp liên quan. Tuy nhiên, nó thường xảy ra nhất ở bàn tay vì bàn tay chứa một lượng lớn khớp được sử dụng gần như liên tục.

Dưới đây là một số dạng biến dạng khớp phổ biến nhất.

– Biến dạng khớp ở ngón tay:

  • Ngón tay vồ (mallet finger). Khớp cuối bị gập, không thể tự duỗi thẳng.
  • Bàn tay gió thổi (ulnar drift). Các ngón tay nghiêng về phía ngón út
  • Biến dạng cổ thiên nga hay cổ cò (knuckle subluxation). Các khớp ở gốc ngón tay bị cong, khớp giữa thằng và khớp ngoài cùng bị cong.
  • Biến dạng thùa khuyết (Boutonnière). Khớp giữa của ngón tay bị gập vào và khớp cuối duỗi ra
  • Ngón cái hình chữ Z. Ngón cái gập vào trong ở khớp metacarpophalangeal và uốn ra ngoài ở khớp bên dưới móng tay cái.
  • Các nốt Bouchard và Heberden. Là các nốt xuất hiện trên khớp giữa hoặc khớp cuối của ngón tay.

– Biến dạng khớp bàn chân:

  • Hammertoe. Khớp giữa ngón chân bị gập lại, thường xảy ra ở ngón chân thứ hai cạnh ngón chân cái.
  • Bunion. Là biến dạng của khớp nối ngón chân cái với bàn chân. Ngón chân cái bị biến dạng và uốn cong về phía các ngón chân khác.
  • Ngón chân vuốt (Claw toe). Khớp gốc của ngón chân thẳng, khớp giữa bị cong và khớp thứ ba có thể bị cong hoặc thẳng.
  • Ngón chân vồ. Khớp cuối cùng của ngón chân cong xuống; thường gặp nhất ở ngón chân thứ hai.
  • Biến dạng Valgus. Một dị tật khiến khớp bị uốn cong ra ngoài. Xảy ra chủ yếu ở khớp đầu gối, tuy nhiên bất kì khớp nào cũng có thể gặp biến dạng này.

Hai trong số những nguyên nhân phổ biến nhất gây biến dạng khớp là viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp.

Âm thanh trong khớp

Các khớp của bạn có thể tạo ra nhiều loại âm thanh khác nhau, như bộp, răng rắc, lách cách, lục khục, pop, cót két… Các âm thanh này thường xuất hiện ở khớp ngón tay, ngón chân, đầu gối, lưng, cổ. Chẳng hạn như: khi bạn bẻ khớp ngón tay, khi đứng lên, khi quay đầu,…

Bạn cũng có thể nghe thấy các âm thanh trong khớp khi luyện tập thể thao (Ảnh minh họa)

Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến các âm thanh này:

  • Do thoát khí: Các nhà khoa học giải thích rằng chất lỏng hoạt dịch có trong khớp hoạt động như một chất bôi trơn. Chúng chứa khí oxy, nitơ và carbon dioxide. Khi bạn bẻ khớp, bạn sẽ kéo căng các bao khớp đựng bao hoạt dịch, khiến cho khí được giải phóng, tạo thành bong bóng và vỡ ra tạo thành các tiếng động.
  • Do cử động của khớp, gân và dây chằng: Khi cử động khớp, vị trí của gân sẽ thay đổi và hơi lệch ra ngoài, khi gân trở lại vị trí ban đầu, bạn có thể nghe thấy tiếng tách. Ngoài ra, dây chằng của bạn có thể bị thắt lại khi bạn cử động khớp (thường xảy ra ở đầu gối hoặc mắt cá chân) và có thể tạo ra tiếng kêu rắc rắc.
  • Do bề mặt thô ráp: Khi hai đầu xương tạo khớp bị mất đi lớp sụn trơn, nó sẽ khiến các đầu xương trở nên thô ráp và gồ ghề. Lúc bạn di chuyển khớp, nó sẽ chạm vào nhau tạo ra các tiếng khục khục.

Tùy thuộc vào nguyên nhân mà các tiếng ồn trong khớp này có thể là sinh lý, vô hại hoặc cũng có thể là dấu hiệu của những bất thường trong khớp.

Những tiếng ồn này là vô hại nếu nó là những tiếng bật nhẹ hoặc những tiếng bụp bụp ở cường độ cao, không gây đau, không làm mất cử động, sưng hoặc yếu.

Tiếng ồn bệnh lý thường được chia thành mãn tính và cấp tính. Tiếng ồn cấp tính thường là tiếng bốp lớn, kèm theo đau, xảy ra sau chấn thương. Trong trường hợp ko có tiền sử chấn thương, nó có thể xảy ra do tổn thương sụn trong các bệnh viêm khớp. Tiếng ồn bệnh lý mãn tính xảy ra dần dần; nó có thể diễn ra không thường xuyên hoặc thường xuyên, tùy thuộc vào nguyên nhân. Tiếng ồn mãn tính có thể do rách sụn chêm cũ, chấn thương sụn, viêm khớp, mất ổn định xương chậu hoặc hội chứng đau xương chậu.

Nên làm gì?

Theo nguyên tắc chung, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu các triệu chứng đau khớp của bạn xảy ra là do chấn thương.

Nếu cơn đau khớp không phải do chấn thương, hãy hẹn gặp bác sĩ nếu:

  • Cơn đau dai dẳng kéo dài trên ba ngày
  • Có một số đợt bùng phát các triệu chứng khớp trong vòng một tháng

Xem thêm: Điều trị đau xương khớp – Tổng hợp các phương pháp

Kết luận

Trên đây là một số triệu chứng thường gặp của các bệnh lý xương khớp. Tùy thuộc vào từng bệnh mà bạn có thể gặp một số các triệu chứng trên. Đừng chủ quan nếu gặp bất kì triệu chứng nào, hãy theo dõi và đi khám sớm để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Để được chuyên gia tư vấn giải đáp thêm về các bệnh xương khớp, bạn có thể gọi tới tổng đài 1800.1156 (miễn phí cước gọi)

Cập nhật lúc: 17/01/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm »
vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

Bài Đọc Nhiều Nhất

Loading...