Đau mỏi vai gáy kéo dài có đáng lo ngại không? Nên làm gì?

Hầu hết đau mỏi vai gáy chỉ là vấn đề xảy ra ngắn hạn và có thể tự phục hồi theo thời gian. Nhưng đôi khi, các cơn đau mỏi vai gáy kéo dài lại có thể là dấu hiệu của một số vấn đề y tế phức tạp hơn. Vậy đau mỏi vai gáy kéo dài có đáng lo ngại không và nên làm gì nếu gặp hiện tượng này?

Khi nào đau mỏi vai gáy được coi là kéo dài?

Đau mỏi vai gáy nhìn chung được xếp vào hội chứng đau.

Theo Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế (International Association for the Study of Pain – IASP): Đau nghĩa là có một cảm giác khó chịu và chịu đựng về cảm xúc, đi kèm theo đó là sự tổn thương mô hiện có hoặc tiềm tàng, hoặc được mô tả như là một tổn thương mô.

Hình minh họa tổng thể về hội chứng đau

Hội chứng đau được phân loại theo nhiều cách khác nhau, như phân loại theo cơ chế gây đau, phân loại theo khu trú đau, phân loại theo thời gian đau.

Phân loại theo thời gian, hội chứng đau được gồm 2 loại:

  • Đau cấp tính (acute pain). Có thời gian đau dưới 3 tháng, là cơn đau mới xuất hiện, có cường độ đau mạnh.
  • Đau mạn tính (chronic pain). Có thời gian đau trên 3 tháng, kéo dài dai dẳng và tái đi tái lại nhiều lần.

Dựa vào phân loại trên, ta có thể thấy, đau mỏi vai gáy được coi là kéo dài nếu nó đau trên 3 tháng.

Đau mỏi vai gáy kéo dài có đáng lo ngại không?

Để biết đau mỏi vai gáy kéo dài có đáng lo ngại hay không, chúng ta cùng theo dõi bảng đánh giá phân loại đau dưới đây:

Đau cấp tính Đau mạn tính
Mục đích sinh học Có ích, bảo vệ Vô ích – phá hoại
Cơ chế gây đau Đơn yếu tố Đa yếu tố
Phản ứng của cơ thể Phản ứng lại Thích nghi dần
Yếu tố cảm xúc Lo lắng Trầm cảm
Hành vi, thái độ Phản ứng Tìm hiểu
Mục đích điều trị Chữa khỏi Tái thích ứng

Như vậy, đau mãn tính là một loại đau vô ích, nếu bạn bị đau vai gáy kéo dài quá 3 tháng (đau vai gáy mạn tính) thì đây là một vấn đề rất đáng lo ngại.

Đau vai gáy kéo dài ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.

Về thể chất, các cơn đau vai gáy kéo dài cản trở cuộc sống hằng ngày của bạn, khiến bạn mất tập trung, không còn muốn làm những việc bạn yêu thích hay cần làm nữa. Bởi, các cơn đau có thể gây ra cứng khớp, hạn chế hoạt động hằng ngày của bạn. Khi bạn ít hoạt động, các cơ bắp trở nên yếu dần đi, khớp ngày càng cứng lại và giảm phạm vi hoạt động, khiến các cơn đau lại càng trở nên tồi tệ hơn.

Đặc biệt, các cơn đau vai gáy mãn tính còn gây ra những đợt mất ngủ kéo dài và làm suy giảm chất lượng giấc ngủ của bạn. Hệ quả của việc bị mất ngủ và rối loạn giấc ngủ là: giảm tuổi thọ, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, co giật, tiểu đường, huyết áp cao, tăng chỉ số khối cơ thể, tăng nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần (trầm cảm, lo âu, hoang tưởng), thay đổi tính tình, tăng nguy cơ tai nạn, giảm hiệu suất công việc và học tập,…

Đau vai gáy kéo dài còn liên quan đến các vấn đề thể chất khác. Để có thể đáp ứng được với sự kích thích đau dai dẳng, hệ thần kinh sẽ tái cấu trúc lại và trở nên nhạy cảm hơn nỗi đau. Điều này khiến bạn cảm thấy tình trạng đau ngày càng tồi tệ hơn hoặc cảm thấy vẫn còn còn đau dù đã được chữa lành.

Đau vai gáy mãn tính cũng ảnh hưởng đến cả sức khỏe tâm thần. Khi bạn bị đau trong thời gian dài, ban đầu bạn chỉ cảm thấy lo lắng nhưng lâu dần sẽ dẫn đến cảm giác chán nản, thất vọng, buông xuôi, thậm chí có thể dẫn tới cả trầm cảm. Tất cả những điều này sẽ làm cho cơn đau của bạn trở nên trầm trọng hơn. Mối quan hệ giữa cảm xúc và nỗi đau mà một mối quan hệ qua lại, khi bạn bị đau kéo dài, bạn sẽ bị suy sụp tinh thần và ngược lại, khi sức khỏe tinh thần của bạn sa sút, bạn sẽ nhạy cảm hơn với nỗi đau.

Khi bạn bị đau kéo dài, bạn sẽ bị suy sụp tinh thần và ngược lại, khi sức khỏe tinh thần của bạn sa sút, bạn sẽ nhạy cảm hơn với nỗi đau (Ảnh minh họa)

Nên làm gì nếu gặp hiện tượng này?

Nếu bạn bị đau vai gáy kéo dài trên 12 tuần, các cơn đau không thuyên giảm hoặc biến mất, bạn nên lên lịch đi khám.

Ngoài ra, hãy lưu ý, nên lập tức cấp cứu nếu đau đi kèm với:

  • Hụt hơi
  • Đau ngực
  • Chóng mặt
  • Đổ mồ hôi
  • Sưng, đau
  • Sốt
  • Nhịp tim nhanh
  • Tê liệt một bên cơ thể
  • Mất ý thức
  • Đau sau một chấn thương nghiêm trọng
Nếu bạn bị đau vai gáy kéo dài trên 12 tuần bạn nên lên lịch đi khám (Ảnh minh họa)

Đau vai gáy kéo dài có chữa được không?

Đau vai gáy mãn tính kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, chẳng hạn như:

  • Viêm xương khớp (thoái hóa khớp);
  • Viêm khớp dạng thấp;
  • Thoát vị đĩa đệm ở cổ;
  • Đau cân cơ;
  • Đau cơ xơ hóa;
  • Đau sau phẫu thuật;
  • Thiểu năng vành;
  • U đỉnh phổi;
  • Dính khớp bả vai;
  • Vẹo cổ bẩm sinh;
  • Ung thư;
  • Đau do tâm lý;
  • .v.v.

Một trong số các nguyên nhân này có thể điều trị khỏi nhưng có một số nguyên nhân không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bạn vẫn có thể bị đau tái phát hoặc tiếp tục đau dù nguyên nhân gây bệnh đã cải thiện. Đau vai gáy mãn tính kéo dài mà không thể chữa khỏi hoàn toàn thường là do nguyên nhân xuất phát từ các bệnh lý xương khớp hoặc do các vấn đề liên quan đến bệnh thần kinh.

Tuy nhiên bạn đừng quá lo lắng, y học đã tiến bộ và có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Việc đi khám kịp thời và tuân thủ điều trị sẽ giúp bạn giảm đau, giảm tần suất tái phát cơn đau, tăng cường hoạt động và bạn vẫn có thể quay trở lại các hoạt động hằng ngày mà không bị khó chịu.

Việc đi khám kịp thời và tuân thủ điều trị sẽ giúp bạn giảm đau, tăng cường hoạt động và bạn vẫn có thể quay trở lại các hoạt động hằng ngày mà không bị khó chịu (Ảnh minh họa)

Điều trị

Để đưa ra được phương pháp điều trị phù hợp, đầu tiên bác sĩ cần chẩn đoán được nguyên nhân gây đau vai gáy kéo dài của bạn.

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về lịch sử y tế của bản thân và gia đình. Sau đó hỏi bạn một số câu hỏi liên quan tới triệu chứng, như:

  • Khi nào cơn đau bắt đầu?
  • Cảm giác đau như thế nào? Có thấy nhói, đập, bắn, sắc, châm chích, đốt,…?
  • Mức độ đau của bạn nghiêm trọng như thế nào ?
  • Điều gì làm cho cơn đau tồi tệ hơn?
  • Điều gì giúp giảm bớt?
  • .v.v.

Việc trả lời và mô tả càng chính xác, chi tiết về cơn đau của bạn, càng giup việc chẩn đoán được diễn ra thuận lợi hơn.

Sau đó, bác sĩ sẽ làm một bài kiểm tra thể chất và đề nghị một hoặc một vài xét nghiệm hình ảnh nếu cảm thấy cần thiết. Một số xét nghiệm có thể được đề nghị là:

  • Chụp cắt lớp vi tính;
  • Chụp X-quang;
  • Cộng hưởng từ;
  • .v.v.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản cùng mức độ nghiêm trọng và tình hình sức khỏe chung của bạn.

Thông thường, các phương pháp điều trị sẽ gồm:

Thuốc giảm đau

Một số loại thuốc có sẵn có thể giúp điều trị đau vai gáy mãn tính. Như:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn. Acetaminophen; thuốc chống viêm không steroid (NSAID) (aspirin (Bufferin) hay ibuprofen (Advil),…)
  • Thuốc giảm đau opioid. Morphin, codein, hydrocodone,…
  • Thuốc giảm đau bổ trợ. Thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn cơ, thuốc chống động kinh,…

☛ Tìm hiểu thêm: Thuốc chữa đau vai gáy cổ – Có những loại nào, sử dụng ra sao?

Thuốc là một trong những phương pháp giúp giảm đau vai gáy kéo dài hiệu quả (Ảnh minh họa)

Vật lý trị liệu

Bác sĩ có thể đề nghị bạn tham gia một khóa vật lý trị liệu ngắn hạn để giảm đau và giúp bạn thực hiện các công việc hằng ngày dễ dàng hơn.

Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ giúp bạn tập một số bài tập thể dục và hoạt động phù hợp, hướng dẫn bạn một số mẹo giảm đau dể giúp bạn duy trì công việc và hoạt động tốt hơn ở nhà.

Song song với đó, bác sĩ có thể sử dụng thêm một số phương pháp trị liệu thụ động như:

  • Siêu âm trị liệu;
  • Kích thích điện trị liệu;
  • Nén ép trị liệu;
  • Sáp trị liệu;
  • Vi sóng trị liệu;
  • Xoa bóp, ấn huyệt;
  • .v.v.

Sau một vài buổi trị liệu, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn.

Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ giúp bạn tập một số bài tập thể dục, hướng dẫn bạn một số mẹo giảm đau (Ảnh minh họa)

Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là những biện pháp tác động lên tâm lý người bệnh, nhằm giúp họ cải thiện và tăng cường sức khỏe tâm lý.

Có rất nhiều liệu pháp tâm lý khác nhau, trong đó có khoảng 400 dạng liệu pháp dành cho người lớn và 200 dạng dành cho trẻ em. Có thể kể tới một số liệu pháp là:

  • Liệu pháp tâm lý cá nhân
  • Liệu pháp cặp đôi/liệu pháp hôn nhân
  • Liệu pháp gia đình
  • Liệu pháp tâm lý nhóm.
  • Liệu pháp phân tích tâm lý
  • Liệu pháp hành vi
  • Liệu pháp tâm lý nhân văn – hiện sinh
  • Liệu pháp tâm lý liên nhân cách
  • .v.v.

Mục đích của liệu pháp tâm lý là giúp người bệnh:

  • Loại bỏ các triệu chứng stress tiêu cực
  • Thay đổi cảm xúc, nhận thức
  • Cải thiện quan hệ liên nhân cách
  • Tăng cường khả năng ứng phó với stress.

Tất cả những điều này giúp bạn đối phó với chứng đau vai gáy kéo dài tốt hơn và cải thiện tâm trạng để tác động tích cức tới việc điều trị.

Liệu pháp tâm lý giúp bạn cải thiện và tăng cường sức khỏe tâm lý (Ảnh minh họa))

Châm cứu

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cho rằng, châm cứu có tác dụng rất tốt đối với các cơn đau mãn tính như: đau lưng, đau cổ, đau vai gáy, các bệnh viêm xương khớp, đau đầu,… và cho rằng đây là một phương pháp điều trị rất đáng để thử cho những người bị đau mãn tính.

Khoa học đã giải thích cơ chế giúp giảm đau của châm cứu như sau:

  • Châm cứu kích thích cơ thể sản sinh ra oxit nitric tại điểm châm, giúp tăng lưu lượng máu và kích hoạt cơ chế đào thải tự nhiên của cơ thể;
  • Châm cứu giúp sản sinh một loại hormone giảm đau tự nhiên của cơ thể;
  • Châm cứu giúp giảm co cứng cơ và làm khớp vai trở nên linh hoạt hơn;
  • Châm cứu có khả năng điều hòa các nội tiết trong cơ thể, ổn định lại cảm xúc cho bệnh nhân, giúp họ ngủ ngon và hạn chế căng thẳng.
  • .v.v.

Phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả hoặc do một số nguyên nhân nhất định, phẫu thuật có thể được chỉ định.

Một số phương pháp phẫu thuật dùng để điều trị đau mỏi vai gáy kéo dài do bệnh lý là:

  • Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ;
  • Phẫu thuật ACDF lấy đĩa đệm, ghép xương, cổ định cột sống cổ;
  • Phẫu thuật nội soi cột sống, lấy bỏ nhân thoát vị;
  • .v.v.

Sau phẫu thuật, bạn cần ở lại viện trong vài ngày tới 1 tuần để theo dõi. Sau 5 tuần, bạn sẽ phục hồi hoàn toàn và thực hiện vật lý trị liệu nếu cần thiết.

Bởi vì phẫu thuật được tiến hành tại vùng vai gáy, gần cổ và tủy sống nên có thể có một số biến chứng xảy ra (dù rất nhỏ), như:

  • Tổn thương động mạch và tĩnh mạch lớn đi qua cổ vào não;
  • Tổn thương dây thần kinh hoặc tủy sống;
  • Nhiễm trùng sau ghép xương hoặc khu vực xung quanh cột sống;
  • Thất bại trong việc hợp nhất xương;
  • Chảy máu hoặc tụ máu tại nơi phẫu thuật
  • .v.v.

Một số biến chứng này có thể được điều trị bằng kháng sinh, nhưng một số khác có thể phải phẫu thuật lần thứ hai.

Tuy nhiên bạn đừng quá lo lắng, phẫu thuật cho đau cổ vai gáy là rất hiếm. Nếu phẫu thuật được khuyến nghị để điều trị tình trạng của bạn, hãy thảo luận với bác sĩ để tìm ra lựa chọn tốt nhất dành cho bạn.

Nếu các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả hoặc do một số nguyên nhân nhất định, phẫu thuật có thể được chỉ định (Ảnh minh họa)

Lời khuyên để sống chung với đau mỏi vai gáy kéo dài

Sống chung với đau mãn tính là một điều khó khăn. Nhưng, quan trọng là bạn phải biết chăm sóc bản thân và cố gắng giữ tinh thần lạc quan. Bởi thay đổi lối sống là một phần quan trọng trong điều trị đau mãn tính.

Dưới đây là một số lời khuyên của chúng tôi, nó có thể hữu ích trong việc giúp bạn chung sống “hòa bình” hơn với tình trạng đau mỏi vai gáy kéo dài.

Tập thể dục

Trong những ngày bệnh tái phát, bạn có thể nghỉ ngơi để phục hồi. Tuy nhiên, đừng chỉ nằm trên giường vào cả những ngày bạn cảm thấy tốt. Việc không hoạt động sẽ làm các cơ bắp yếu dần đi và khớp trở nên kém linh hoạt, điều này sẽ khiến tình trạng của bạn ngày càng tồi tệ hơn mà thôi.

Việc nằm trên giường trong thời gian dài còn khiến bạn ngủ không ngon, trở nên cô đơn và chán nản.

Vì thế, hãy cố gắng hoạt động thể chất mỗi ngày. Lựa chọn các bài tập không gây quá nhiều căng thẳng cho bản thân, như:

  • Đi dạo;
  • Bơi lội;
  • Đạp xe;
  • Nhảy múa;
  • Yoga hoặc pilates;
  • .v.v.

Hãy biến chúng thành các hoạt động yêu thích và trở thành một phần trong lối sống của bạn.

☛ Xem thêm:

Hãy cố gắng hoạt động thể chất mỗi ngày và biến nó thành một phần của cuộc sống (Ảnh minh họa)

Tiếp tục đi làm

Một số nghiên cứu cho thấy, chúng ta sẽ ít hoạt động hơn và cảm thấy chán nản nhiều hơn khi không làm việc. Vì thế, dù bạn có bị đau vai gáy mãn tính, bạn cũng không nên từ bỏ công việc của mình.

Ở văn phòng, việc tập trung vào công việc có thể khiến bạn quên đi nỗi đau và nó cũng không làm cho cơn đau tồi tệ hơn.

Nếu bạn đã nghỉ làm 4 đến 6 tuần, bạn có thể quay trở lại làm việc dần dần, như bắt đầu với 1 ngày 1 tuần rồi tăng dần thời gian. Bạn có thể nói chuyện với sếp của mình để được sắp xếp lại công việc cho phù hợp.

Ăn uống đầy đủ

Ăn uống đủ chất giúp cơ thể khỏe mạnh và đối phó với cơn đau tốt hơn.

Để có một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, bạn nên ăn đa dạng các loại thực phẩm thay vì chỉ ăn một số món mà bạn yêu thích.

Ngoài ra, để giảm đau mãn tính, bạn nên ăn nhiều các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa. Chẳng hạn:

  • Vitamin A: sữa, bơ, trứng và gan.
  • Beta-Carotene: các loại rau và trái cây có màu sắc rực rỡ, như đào, mơ, đu đủ, xoài, dưa đỏ, cà rốt, đậu Hà Lan, bông cải xanh, bí, khoai lang, củ cải đường, rau bina, cải xoăn,…
  • Vitamin C: trái cây và rau quả, bao gồm các loại quả mọng, cam, kiwi, dưa đỏ, đu đủ, bông cải xanh, ớt chuông, cà chua, súp lơ, cải Brussels, cải xoăn,…
  • Lycopene: trái cây, rau quả màu hồng và đỏ, như bưởi hồng, dưa hấu, quả mơ, cà chua,…
  • Vitamin E: các loại hạt như hạnh nhân, hướng dương, quả phỉ, đậu phộng; rau lá xanh như rau bina, cải xoăn; các loại dầu như dầu đậu nành, dầu ngô và dầu cải,…
  • Lutein: các loại rau lá xanh, như rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, ngô, đậu Hà Lan, đu đủ, cam,…
  • Selen: mì ống, bánh mì, ngũ cốc; sản phẩm từ động vật, như thịt bò, cá, gà; các loại hạt, đậu, trứng, phô mai,…

Song song với đó, bạn nên tránh hoặc hạn chế một số loại thực phẩm không tốt cho cơ thể và có thể làm tăng phản ứng viêm, như:

  • Các loại thịt đỏ;
  • Các loại thực phẩm nhiều đường tinh luyện;
  • Thịt chế biến sẵn, như giăm bông, xúc xích, thịt xông khói,…
  • Thực phẩm có siro ngô hàm lượng cao;
  • Chất béo bão hòa;
  • Không hút thuốc.
Ăn uống đủ chất giúp cơ thể khỏe mạnh và đối phó với cơn đau tốt hơn (Ảnh minh họa)

Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ chính là liều thuốc giảm đau tốt nhất cho cơ thể. Tuy nhiên, đôi khi các cơn mỏi vai gáy mãn tính sẽ khiến bạn bị mất ngủ và thức suốt đêm dài. Và như đã nói ở trên, khi bạn thiếu ngủ, tình trạng của bạn sẽ trở nên tệ hơn.

Dưới đây là một số mẹo để cải thiện giấc ngủ của bạn:

  • Không ngủ vặt vào ban ngày, chỉ nên ngủ khoảng 20 tới 30 phút vào giấc ngủ trưa;
  • Tắm nước ấm trước khi ngủ để thư giãn;
  • Ru ngủ bằng một số loại âm thanh giúp ngủ ngon, như tiếng sóng nhẹ nhàng, tiếng mưa hoặc những âm thanh êm dịu (bạn có thể tìm thấy các loại âm thanh này trên mạng);
  • Loại bỏ các thiết bị phát sáng trước khi ngủ, bao gồm cả điện thoại;
  • Không uống rượu vào buổi tối (bạn đầu nó có thể giúp bạn chìm vào giấc ngủ, nhưng ngay sau đó sẽ tác dụng ngược, làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của bạn vào nửa đêm);
  • Tránh chất caffeine sau 2 giờ chiều;
  • Không tập thể dục hoặc ăn trong vòng ba giờ trước khi đi ngủ;
  • Nên đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày;
  • Dọn dẹp phòng ngủ thoáng đãng, gọn gàng;
  • Mặc quần áo thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt để ngủ;
  • .v.v.

Nếu đã thử một số mẹo mà bạn vẫn không thể ngủ ngon, hãy liên hệ với bác sĩ.

Giấc ngủ chính là liều thuốc giảm đau tốt nhất cho cơ thể (Ảnh minh họa)

Tiếp tục tham gia các hoạt động yêu thích

Cơn đau có thể khiến bản khó khăn để thực hiện một số nhiệm vụ. Nhưng cô lập bản thân sẽ khiến bạn có cái nhìn tiêu cực hơn về tình trạng của mình và tăng sự nhạy cảm với nỗi đau. Vì thế, hãy tiếp tục tham gia các hoạt động mà mình yêu thích, điều này giúp bạn tăng cường tâm trạng và giảm căng thẳng.

Tìm kiếm sự hỗ trợ

Bạn bè, gia đình và các nhóm hỗ trợ có thể giúp đỡ bạn và mang lại cho bạn sự thoải mái, an ủi trong những lúc khó khăn.

Cho dù bạn đang gặp rắc rối với các công việc hàng ngày hoặc đơn giản là bạn cần tăng cường cảm xúc, một người bạn thân hoặc người trong gia đình có thể là những người mà bạn cần. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ chứ đừng tự cô lập bản thân.

Kết luận

Đau mỏi vai gáy kéo dài có thể là một tình trạng mãn tính do nhiều nguyên nhân nkhác nhau gây ra. Một số nguyên nhân không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng việc tuân thủ kế hoạch điều trị sẽ giúp bạn kiểm soát cơn đau và quay lại cuộc sống bình thường.

Ngoài ra, bạn cũng cầy xây dựng những kỹ năng kiểm soát cảm xúc, điều này giúp bạn đối phó với những căng thẳng liên quan đến tình trạng của mình.

Hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế hoặc gặp bác sĩ bất cứ khi nào bạn cần.

Cập nhật lúc: 17/01/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm »
vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

Bài Đọc Nhiều Nhất

Loading...