Top 10+ nguyên nhân đau khớp gối ở nhiều độ tuổi

Hiện nay triệu chứng đau khớp gối đang có xu hướng xuất hiện nhiều ở cả những người trẻ chứ không chỉ riêng ở giới trung niên và người cao tuổi như trước. Vậy đâu là những nguyên nhân đau khớp gối phổ biến nhất? Ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Nguyên nhân cốt lõi

Khớp đầu gối là khớp lớn nhất trong cơ thể chúng ta, và cũng là khớp dễ bị tổn thương do phải chịu nhiều áp lực từ các hoạt động hằng ngày, như: đi lại, nâng, quỳ, chạy bộ,…

Khi một trong những tổ chức cấu tạo nên khớp gối có vấn đề, bạn có thể bị đau đầu gối hay đau khớp gối.

Khớp đầu gối được cấu thành từ 5 phần chính:

  • Xương
  • Dây chằng
  • Sụn
  • Gân
  • Bao hoạt dịch

– Xương khớp gối gồm từ 3 xương hợp lại:

  • Xương chày (xương ống chân)
  • Xương đùi
  • Xương bánh chè

– Có 4 dây chằng chính trong đầu gối:

  • Dây chằng bên (được tìm thấy ở hai bên đầu gối). Chúng kiểm soát chuyển động sang một bên của đầu gối.
  • Dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau bắt chéo nhau tạo thành hình chữ X. Những dây chằng này kiểm soát cách đầu gối của bạn di chuyển tới và lui.
  • Dây chằng chéo bên hỗ trợ đầu gối dọc theo mặt trong của chân

– Có hai loại sụn trong đầu gối của bạn:

  • Sụn bao phủ ở hai đầu xương, có tác dụng hấp thụ sốc và bảo vệ đầu gối
  • Sụn ​​chêm có hình chữ C, nằm lót giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày, đây là bộ phận quan trọng tạo nên sự vững chắc của đầu gối.

– Gân là những sợi mô cứng kết nối cơ với xương. Có 2 nhóm cơ liên quan đến đầu gối, bao gồm cơ tứ đầu (nằm ở mặt trước của đùi) giúp duỗi thẳng chân và cơ gân kheo (nằm ở mặt sau của đùi) giúp co chân.

– Bao hoạt dịch nằm xung quanh khớp gối, có tác dụng như lớp đệm giữa xương với các bộ phận xung quanh (cơ bắp, gân, da) để giúp cho các hoạt động được dễ dàng hơn.

Nguyên nhân đau khớp gối

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu gối hoặc đau khớp gối thường gặp. Lưu ý rằng đây không phải là toàn bộ các nguyên nhân.

Đau đầu gối sau chấn thương:

Một số chấn thương từ nhẹ cho tới nặng khi chơi thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp,… có thể dẫn tới đau khớp gối.

Các triệu chứng đầu gối Nguyên nhân có thể
Đau sau khi vận động hay hoạt động quá sức hoặc đau khi vặn mình bong gân, tổn thương dây chằng, căng cơ
Đau giữa xương bánh chè và ống chân, thường do chạy hoặc nhảy lặp đi lặp lại viêm gân
Đầu gối không ổn định, nhất là khi bạn cố gắng đứng, không thể đứng thẳng, có thể nghe thấy tiếng “nổ lộp bộp” khi bị thương đứt dây chằng, gân hoặc sụn chêm, tổn thương sụn khớp
Thanh thiếu niên và thanh niên bị đau và sưng dưới xương bánh chè bệnh Osgood-Schlatter
Xương bánh chè thay đổi hình dạng sau va chạm hoặc thay đổi hướng trật khớp xương bánh chè
Đau đầu gối bị biến dạng, đau dữ dội, sưng, bầm tím, không thể đứng vững, nghe thấy âm thanh “bốp” vào thời điểm bị thương trật khớp gối

Đau khớp gối mà không có chấn thương rõ ràng:

Các triệu chứng đầu gối Nguyên nhân có thể
Đau và cứng cả hai đầu gối, sưng nhẹ, phổ biến hơn ở người lớn tuổi viêm xương khớp (thoái hóa khớp), tổn thương sụn khớp
Khớp gối ấm và đỏ, khi quỳ hoặc cúi xuống làm cho cơn đau và sưng trở nên tồi tệ hơn viêm bao hoạt dịch
Sưng, ấm, bầm tím, nhiều khả năng xảy ra khi đang dùng thuốc chống đông máu chảy máu trong khớp
Nóng và đỏ, các cơn đau khớp gối dữ dội đột ngột bệnh gút hoặc viêm khớp nhiễm trùng
Sưng, đau, biến dạng khớp viêm khớp dạng thấp
Sưng, đau ở đầu gối, sờ thấy khối cứng trong phần xương dài, cảm thấy mệt mỏi u xương

Bong gân, tổn thương dây chằng

Về cơ bản, gân và dây chằng đều được làm bằng collagen. Chúng chỉ khác nhau là dây chằng nối một xương với xương khác còn gân thì kết nối cơ với xương.

Mức độ bong gân, tổn thương dây chằng được chia thành ba cấp:

  • Độ I (nhẹ). Chấn thương làm giãn dây chằng/gân, gây ra những vết rách nhỏ. Những vết rách nhỏ này không ảnh hưởng nhiều đến khả năng nâng đỡ trọng lượng chung của khớp gối.
  • Độ II (trung bình). Dây chằng/gân bị rách một phần và có một số bất ổn nhẹ đến trung bình ở đầu gối mỗi khi đứng hoặc đi bộ.
  • Độ III (nặng). Dây chằng/gân bị rách hoàn toàn hoặc tách rời khỏi xương, đầu gối mất đi sự ổn định.

Bong gân đầu gối hay dây chằng gây nhiều đau đớn ở khớp gối và có thể tạo ra các vấn đề khác theo thời gian, chẳng hạn như viêm khớp.

Căng cơ

Căng cơ hay kéo cơ tình trạng cơ bắp bị kéo căng giãn hơn mức bình thường, vượt quá mức giới hạn chịu đựng; trong nhiều trường hợp, sự kéo giãn này còn làm rách cả cơ. Cơ bị căng phổ biến nhất ở đầu gối là cơ gân kheo (nằm ở phía sau đùi) và cơ tứ đầu đùi (nằm ở phía trước đùi).

Căng cơ gây áp lực lên xương bánh chè, khiến xương này cọ xát vào khớp gối, gây đau khớp gối và hạn chế vộng động.

Căng cơ nhẹ tới trung bình có thể khắc phục bằng một số cách điều trị tại nhà (thuốc, liệu pháp nhiệt nóng – lạnh, các bài tập giãn cơ,…). Căng cơ nặng (rách cơ) cần phải điều trị y tế.

Viêm gân gối

Viêm gân là tình trạng gân bị kích ứng, nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng sưng, nóng, đỏ quanh vùng gân bị viêm. Khi bị viêm gân gối, người bệnh cảm thấy đau ở vị trí gân đầu gối, cơn đau khu trú, đau liên tục cả ngày và đêm, đau tăng lên khi cử động co duỗi đầu gối.

Rách sụn chêm

Mỗi bên đầu gối của bạn có hai miếng sụn hình chữ C nằm lót giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày, gọi là sụn chêm. Sụn chêm có những vai trò rất quan trọng, như: phân tán trọng lượng của cơ thể và giảm ma sát trong quá trình vận động; tạo nên sự vững chắc cho khớp gối; tạo sự tương hợp giữa các mặt tiếp xúc để phân bố đều hoạt dịch và dinh dưỡng sụn khớp; lấp đầy khe khớp gối, tránh cho bao khớp và hoạt mạc không bị kẹp vào kẽ khớp;…

Sụn chêm thường bị rách khi chơi các môn thể thao tiếp xúc (như bóng đá) hoặc các môn thể thao không va chạm đòi hỏi phải nhảy và chuyển hướng đột ngột (như bóng chuyền). Rách sụn chêm là một nguy cơ đặc biệt đối với các vận động viên lớn tuổi vì sụn chêm yếu dần theo tuổi tác. Hơn 40% những người từ 65 tuổi trở lên mắc bệnh này.

Sụn chêm có thể bị rách theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào vị trí, loại đường rách, mức độ tổn thương. Các kiểu rách thường gặp là: rách dọc, rách ngang, rách hình hoa nan, hình mỏ, hình vạt, hình quai vali và rách phức tạp. Vị trí rách có thể là rách sừng tước, sừng sau, thân; rách vùng vô mạch hoặc vùng có mạch nuôi.

Tổn thương sụn khớp

Sụn khớp là một mô liên kết bao quanh hai đầu xương, nó có chức năng giảm ma sát, giữ các xương lại với nhau và hoạt động như một tấm đệm giữa các khớp.

Khi sụn khớp gối bị tổn thương, hư hỏng do chấn thương hoặc lão hóa, nó có thể gây ra đau khớp gối dữ dội, viêm và tàn tật ở một mức độ nào đó.

Các tổn thương sụn nhẹ có thể tự khỏi trong vài tuần, nhưng tổn thương sụn nặng hơn có thể sẽ phải phải phẫu thuật.

Bệnh Osgood-Schlatter

Hay còn gọi là viêm lồi củ trước xương chày. Bệnh Osgood-Schlatter thường xảy ra nhất trong thời kỳ tăng trưởng của trẻ em và thanh thiêu niên, khi xương, cơ, gân và các cấu trúc khác đang thay đổi nhanh chóng. Khi trẻ hoạt động thể chất, tham gia vào các môn thể thao (đặc biệt là chạy và nhảy) nguy cơ mắc tình trạng này càng lớn hơn.

Viêm lồi củ trước xương chày gây ra tình trạng đau và sưng đầu gối ngay dưới xương bánh chè (nơi gân cơ tứ đầu đùi bám vào). Cơn đau thường trầm trọng hơn trong một số hoạt động nhất định, như chạy, quỳ, nhảy, và giảm bớt khi nghỉ ngơi. Bệnh thường chỉ xảy ra ở một đầu gối, nhưng trong một số trường hợp nó có thể ảnh hưởng đến cả hai đầu gối. Gây cảm giác đau, khó chịu kéo dài hàng tuần đến hàng tháng và có thể tái phát.

Tình trạng này thường tự khỏi sau khi xương của trẻ ngừng phát triển.

Hình chụp X-quang xương của bệnh nhân bị viêm lồi củ trước xương chày (vị trí mũi tên)

Trật khớp bánh chè

Xương bánh chè là một xương nhỏ có hình tam giác nằm ở trước khớp gối, phần đầu xương đùi. Đây là một trong những xương vừng lớn nhất cơ thể, có tác dụng che chở, bảo vệ mặt trước khớp và nằm trong hệ thống co duỗi đầu gối, quyết định việc vận động, đi lại của con người.

Trật khớp bánh chè là tình trạng bánh chè bị trật ra khỏi vị trí bình thường, không thể di chuyển vào đúng vị trí vốn có của nó. Khi bánh chè bị trật, các mô nâng đỡ xung quanh cũng có thể bị kéo căng hoặc rách.

Trật khớp bánh chè có thể xảy ra do bẩm sinh hoặc do chấn thương trong đời sống hằng ngày. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm với trẻ em khi biểu hiện bệnh chưa rõ ràng và cha mẹ thường ít để ý, khi phát hiện thì diễn tiến bệnh đã trở nên phức tạp gây khó khăn trong xử trí bệnh.

Trật khớp bánh chè khác với trật khớp gối. Trật khớp gối là tình trạng nguy hiểm hơn.

Trật khớp bánh chè là tình trạng bánh chè bị trật ra khỏi vị trí bình thường (Ảnh minh họa)

Trật khớp gối

Trật khớp gối là tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Nó xảy ra khi xương đùi và xương chày bị lệch khỏi vị trí bình thường, không còn gặp nhau ở khớp gối nữa. Trật khớp có thể làm chấn thương, đứt rách một số gân, dây chằng, mạch máu và dây thần kinh quan trọng. Nếu không xử trí kịp thời, tình trạng này có thể đe dọa tính toàn vẹn của khớp và chân có thể gặp những biến chứng nguy hiểm, ngoài ra, nếu dây thần kinh bị ảnh hưởng, nó thường không bao giờ có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Các triệu chứng của trật khớp gối thường xảy ra ngay lập tức và nặng hơn theo thời gian, bao gồm:

  • Đau đầu gối
  • Sưng khớp
  • Bánh chè lệch ra ngoài đầu gối và “siêu di động” (bạn có thể di chuyển xương bánh chè từ phải sang trái với biên độ rộng hơn bình thường nhiều lần)
  • Bầm tím ở khớp
  • Đầu gối bị cong và không thể duỗi thẳng ra
  • .v.v.

Đôi khi, đầu gối có thể trượt trở lại vị trí sau khi bị trật khớp. Tuy nhiên, nó vẫn sẽ rất đau, sưng và không ổn định.

Viêm xương khớp

Viêm xương khớp (hay thoái hóa khớp, viêm khớp hao mòn) là hiện tượng lớp sụn bao quanh xương bị bào mòn, rách vỡ hoặc thoái hóa, làm các đầu xương chạm vào nhau gây đau. Bệnh viêm xương khớp thường có cảm giác đau đối xứng, ví dụ đau cùng lúc hai khớp gối. Đây là căn bệnh thoái hóa thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên, nhưng cũng có thể xảy ra ở những người trẻ hơn.

Viêm xương khớp gối mất vài năm để phát triển và tiến triển theo từng giai đoạn. Tình trạng này có thể khó điều trị và phát hiện, vì các triệu chứng có thể không xuất hiện cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Vì thế, những người có nguy cơ mắc bệnh nên chú ý đến bất kỳ thay đổi nào ở khớp gối.

Các giai đoạn của bệnh thoái hóa khớp gối (Ảnh minh họa)

Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch (bursa) nằm xung quanh khớp gối, là những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng, có tác dụng giảm ma sát và đệm các điểm áp lực giữa xương và gân, cơ và da gần khớp của bạn.

Bất kì bao bursa nào ở đầu gối đều có thể bị viêm, nhưng thường xảy ra nhất là bao trên xương bánh chè hoặc ở mặt trong của đầu gối, bên dưới khớp. Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm bao hoạt dịch đầu gối vì thế cũng khác nhau, tùy thuộc vào loại bao bị ảnh hưởng và nguyên nhân gây ra viêm. Nhưng thông thường, khi bao hoạt dịch đầu gối bị viêm, bạn sẽ cảm thấy đau và cứng khớp gối, khớp cũng nhìn sưng và đỏ, đau nhiều hơn khi bạn di chuyển hoặc nhấn vào nó.

Điều trị viêm bao hoạt dịch đầu gối thường bao gồm sự kết hợp của các phương pháp tự chăm sóc và phương pháp điều trị do bác sĩ thực hiện để giảm bớt đau và viêm.

Chảy máu trong khớp

Chảy máu trong khớp thường bắt đầu từ việc đứt các mạch máu nhỏ của màng hoạt dịch. Nguyên nhân đứt các mạch máu này có thể do chấn thương (chẳng hạn như va đập vào đầu gối) hay ở một người bị bệnh máu khó đông nặng, đôi khi chúng có thể xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng.

Dấu hiệu ban đầu của chảy máu trong khớp gối là cảm giác sủi bọt hoặc ngứa ran, nóng trong khớp gối. Máu sẽ ngừng chảy nếu người đó dùng thuốc ngay lập tức. Việc cầm máu càng sớm thì càng ít gây tổn thương cho khớp. Nếu không điều trị, máu sẽ tiếp tục chảy cho đến khi không gian khớp chứa đầy máu, lúc này đầu gối trông sưng và xốp; sau đó máu sẽ tràn vào bao hoạt dịch, khiến bao chứa đầy sắt và mô sẹo, dày lên, không gian giữa các xương ngày càng nhỏ hơn, các đầu xương ít được bôi trơn và bảo vệ.

Cùng với đó, các thực bào phân hủy máu trong khớp bắt đầu tấn công phá vỡ lớp sụn trơn ở đầu xương, làm đầu xương mềm ra, rất đau khi cử động đầu gối. Các dây chằng và gân bị kéo căng khi chảy máu thì trở nên chùng, nhão. Dần dần, khớp gối bị phá hủy hoàn toàn.

Bệnh gút

Bệnh gút xảy ra khi lượng axit uric được tích tụ quá nhiều trong máu, lắng đọng thành tinh thể sắc nhọn rồi gây viêm, sưng và đau khớp đột ngột. Bệnh thường ảnh hưởng đến khớp gốc ngón chân cái nhưng có thể phát triển ở bất kỳ khớp nào, bao gồm một hoặc cả hai đầu gối. Trong một số trường hợp, bệnh gút khởi phát ở một trong các khớp ngón chân cái trước rồi tiến triển sang các khớp khác, chẳng hạn như khớp đầu gối.

Khi bệnh gút ảnh hưởng đến đầu gối, nó có thể làm cho các cử động hàng ngày, chẳng hạn như đi bộ hoặc đứng trở nên đau đớn, khó chịu.

Hiện nay không có cách chữa khỏi bệnh gút, nhưng có một số phương pháp điều trị có thể giúp ngăn ngừa bùng phát và kiểm soát các triệu chứng đau đớn.

Viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) là chứng bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống tự miễn dịch tấn công lên các mô xung quanh khớp (được gọi là bao hoạt dịch) dẫn đến tình trạng dính và biến dạng khớp. Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến đầu gối và nhiều khớp khác trên cơ thể.

Khi RA phát triển ở khớp gối, bao hoạt dịch lót các đầu xương trong khớp gối sẽ dày lên và tạo ra dư thừa dịch khớp. Chất lỏng dư thừa này cùng với các hóa chất gây viêm mà hệ thống miễn dịch tiết ra sẽ làm sưng và tổn thương sụn, dẫn đến đau và bào mòn khớp. Cơn đau thường tồi tệ hơn vào buổi sáng, kết hợp với cứng khớp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc gập hoặc duỗi đầu gối.

Hiện nay chưa thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp. Mục đích của điều trị là làm giảm các triệu chứng của bệnh và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh gây tổn thương khớp.

Viêm khớp nhiễm trùng

Viêm khớp nhiễm trùng là một bệnh nhiễm trùng gây đau đớn ở khớp. Trong hầu hết các trường hợp, nó xảy ra khi vi khuẩn từ bộ phận nhiễm trùng khác của cơ thể theo máu lan sang khớp hoặc chất lỏng xung quanh khớp. Vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể xâm nhập vào cơ thể khi phẫu thuật, hoặc qua vết thương hở hoặc vết tiêm. Ít phổ biến hơn, vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào khớp qua vết thương hở hoặc phẫu thuật trên/gần khớp gối.

Viêm khớp truyền nhiễm thường xảy ra ở đầu gối và chỉ xảy ra ở một khớp. Trong một số ít trường hợp, nó có thể xảy ra ở hông, mắt cá chân và cổ tay.

Các triệu chứng của viêm khớp nhiễm trùng ở đầu gối thường xảy nhanh chóng, bao gồm tình trạng: sưng, đau đầu gối, sốt và ớn lạnh.,

U xương

Các khối u xương có thể phát triển ở bất kỳ xương nào trong cơ thể và phát triển ở bất kỳ phần nào của xương, từ bề mặt xương đến tủy xương. Khi khối u xương phát triển, thậm chí là cả một khối u lành tính, nó cũng làm phá hủy mô khỏe mạnh và khiến xương yếu đi, dễ bị gãy hơn.

Bệnh nhân có khối u xương ở đầu gối sẽ thường xuyên bị đau nhức khớp gối. Cơn đau này thường được mô tả là âm ỉ và nhức nhối, thường tồi tệ hơn vào ban đêm và tăng lên khi hoạt động.

Khi một khối u xương là ung thư, nó có thể là ung thư xương nguyên phát hoặc ung thư xương thứ phát. Ung thư xương nguyên phát bắt đầu từ xương, còn ung thư xương thứ phát bắt đầu ở một nơi khác trong cơ thể, sau đó di căn hoặc lan đến xương. Ung thư xương thứ phát còn được gọi là bệnh di căn xương.

Kết luận

Trên đây là một số nguyên nhân đau khớp gối thường gặp. Một số nguyên nhân có thể tự điều trị và chăm sóc tại nhà, nhưng một số nguyên nhân cần phải cấp cứu khẩn cấp. Hãy gặp cấp cứu nếu bạn bị đau khớp gối nghiêm trọng sau chấn thương, khớp bị biến dạng, chảy máu. Lên lịch đi khám nếu cơn đau không cải thiện trong vài tuần, bạn không thể di chuyển đầu gối hoặc đứng vững, đầu gối của bạn bị khóa.

Để được tư vấn thêm về các bệnh lý xương khớp, bạn có thể gọi tới số 1800.1156 (miễn phí cước gọi)

*** Bài viết có sự cố vấn của PGS. TS Lê Minh Hà, hiện nay đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam.

Cập nhật lúc: 17/01/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm »
vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

Bài Đọc Nhiều Nhất

Loading...