Điểm danh 12 triệu chứng đau khớp gối và các bệnh liên quan

Đau khớp gối xảy ra khi khớp, xương hoặc các mô mềm (dây chằng, gân, dây thần kinh,…) quanh khớp gối bị tổn thương. Bài viết dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu về các triệu chứng và dấu hiệu liên quan đến đau khớp gối, để từ đó nhận biết sớm nếu khớp gối gặp vấn đề và kịp thời điều trị.

Các triệu chứng đau khớp gối thường gặp

Nếu bạn bị đau khớp gối, dưới đây là những triệu chứng và dấu hiệu chính:

  • Cảm giác đau nhức ở đầu gối
  • Cứng khớp (khóa khớp)
  • Đầu gối bị giảm phạm vi chuyển động
  • Sưng tấy
  • Đỏ khớp
  • Cảm thấy ấm khi chạm vào đầu gối
  • Có âm thanh khi uốn cong hoặc duỗi thẳng đầu gối
  • Đầu gối bị biến dạng
  • Yếu cơ
  • Căng cơ
  • Sốt, mệt mỏi

Lưu ý: Không phải bạn sẽ gặp tất cả các triệu chứng này cùng một lúc. Trong một số trường hợp, mỗi bệnh nhân có thể chỉ gặp vài triệu chứng ở trên, tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau khớp gối của họ.

Phần dưới đây, chúng ta cùng đi tìm hiểu rõ hơn về các triệu chứng đau khớp gối này.

Khớp đầu gối khớp dễ bị đau và tổn thương do phải chịu nhiều áp lực từ các hoạt động hằng ngày (Ảnh minh họa)

Cảm giác đau nhức ở đầu gối

Có hơn 100 tình trạng xương khớp có triệu chứng là đau khớp gối. Vì thế sẽ có nhiều dạng đau khớp gối khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân. Nhưng nhìn chung, triệu chứng đau khớp gối có thể biểu hiện như sau:

  • Đau nhức sâu vào khớp;
  • Cơn đau âm ỉ hoặc bỏng rát, đôi khi lại nhói lên;
  • Cơn đau có thể từ nhẹ tới nặng, nhiều khi đau đến mức không thể nghĩ về bất cứ điều gì khác;
  • Cơn đau thường sẽ đỡ hơn khi nghỉ ngơi;
  • Cơn đau không đáng kể vào buổi sáng nhưng trở nên tồi tệ hơn suốt cả ngày hoặc một số người lại cảm thấy cơn đau nhức đầu tiên xuất hiện vào buổi sáng.
  • Đau lan xuống mông, đùi hoặc bẹn;
  • Đau khớp ảnh hưởng đến tư thế và dáng đi của bạn, có thể gây ra tình trạng đi khập khiêng;
  • Cơn đau xuất hiện sau khi dùng khớp (như khi vận động, đi lại, chơi thể thao);
  • Đau trong các hoạt động nhất định (như đứng lên sau khi ngồi hoặc khi lên cầu thang);
  • Đau ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày;
  • Đau tăng khi thời tiết mưa hoặc độ ẩm thay đổi;
  • .v.v.
Có hơn 100 tình trạng xương khớp có triệu chứng là đau khớp gối. Vậy nên sẽ có nhiều dạng đau khớp gối khác nhau (Ảnh minh họa)

Dưới đây là một số biểu hiện của triệu chứng đau khớp gối với những nguyên nhân thường gặp:

– Bệnh viêm xương khớp (thoái hóa khớp gối). Tình trạng này xảy ra khi sụn ở đầu gối bị mòn đi theo tuổi tác, khiến 2 đầu xương ở gối (xương chày và xương đùi) ma sát trực tiếp với nhau, gây ra tình trạng đau. Khi tình trạng này mới xuất hiện, bạn có thể chỉ cảm thấy đầu gối của mình bị đau nhức sau khi hoạt động thể chất, đau vào buổi sáng hoặc sau khi không hoạt động một thời gian. Nhưng theo thời gian, sụn bị mòn nhiều hơn, đầu gối có thể bị đau thường xuyên hơn. Các cơn đau sẽ đỡ khi nghỉ ngơi.

Các triệu chứng đau nhức có thể tiến triển nhanh chóng hoặc có thể tiến triển trong vài năm, tùy thuộc vào từng cá nhân. Chúng có thể xấu đi và sau đó duy trì ổn định trong một thời gian dài, nhưng chúng có thể thay đổi theo ngày. Các yếu tố có thể khiến bệnh trầm trọng hơn bao gồm thời tiết lạnh, căng thẳng và hoạt động quá mức.

– Bệnh viêm khớp dạng thấp. Nhìn chung biểu hiện đau của bệnh thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp là giống nhau. Khác một điều là, đau ở viêm khớp dạng thấp có thể đau đối xứng ở cả hai bên đầu gối.

– Hội chứng đau xương bánh chè. Cảm giác đau trong hội chứng này giống như đến từ phía sau hoặc dưới xương bánh chè. Đặc biệt, bạn có thể cảm thấy đau và cứng khớp gối sau khi ngồi lâu. Cơn đau cũng có thể tồi tệ hơn sau khi bạn đi lên hoặc xuống cầu thang hoặc khi đang chạy.

– Bệnh gút. Bệnh gút thường khởi phát với những cơn đau đột ngột ở khớp ngón chân cái, sau đó nó có thể tiến triển tới khớp gối. Hoặc, bệnh cũng có thể khởi phát ở bất kì khớp nào, bao gồm cả khớp đầu gối. Đặc điểm của các cơn đau trong bệnh gút là xuất hiện đột ngột không thể dự báo trước, đau một cách dữ dội, khiến bạn phải thức giấc vào lúc nửa đêm. Thậm chí có những trường hợp đau đến nỗi, ga giường chạm vào chân cũng không thể chịu đựng được.

– Bong gân, tổn thương dây chằng. Nếu bị bong gân, tổn thương ở mức độ nhẹ, bạn có thể chỉ cảm thấy hơi đau và khó chịu, không cảm thấy nhiều bất ổn ở khớp. Nếu bị ở mức độ nặng hơn (độ II và III), bạn có thể cảm thấy đau và bất ổn nhiều hơn ở đầu gối mỗi khi đi lại, vận động, trong nhiều trường hợp có thể đau tới nỗi không thể cử động được đầu gối.

Nếu bị bong gân ở mức độ nặng, bạn có thể cảm thấy đau khớp gối dữ dội, thậm chí đau tới nỗi không thể cử động được đầu gối (Ảnh minh họa)

Cứng khớp (khóa khớp)

Trong y học, cứng khớp hay khóa khớp là một triệu chứng của bệnh lý ở khớp. Theo đó, đây là hiện tượng mà người bệnh hoàn toàn không thể gập hoặc mở rộng một khớp nào đó.

Tình trạng cứng khớp được chia thành cứng thật và cứng giả.

  • Cứng thật là khi cấu trúc trong khớp (như dây chằng, bao hoạt dịch, sụn) bị hư hỏng thực sự. Chỉ có thể mở khóa khớp khi thao tác và cử động khớp đó.
  • Cứng giả là khi bệnh nhân cảm thấy đau sau khi cố gắng gập hoặc mở rộng khớp gối. Nhưng không có cấu trúc nào trong khớp ngăn cản sự di chuyển. Có thể mở khóa khớp khi xoa bóp hoặc uống thuốc giảm đau.

Khóa khớp là một triệu chứng phổ biến của bệnh:

  • Viêm khớp gối
  • Rách sụn chêm đầu gối
  • Tổn thương dây chằng chéo trước của đầu gối
  • Hội chứng Plica gối
  • Hội chứng đau bánh chè-đùi (Patellofemoral Syndrome)
  • .v.v.
Cứng khớp hay khóa khớp cũng là một triệu chứng của bệnh lý ở khớp (Ảnh minh họa)

Khớp gối bị giảm phạm vi chuyển động

Phạm vi chuyển động của một khớp là khoảng cách và hướng mà khớp đó có thể đạt được. Mỗi khớp có một phạm vi chuyển động được coi là bình thường. Chẳng hạn, một đầu gối bình thường có thể uốn cong trong khoảng từ 133 đến 153 độ, và khi mở rộng, nó có thể duỗi để chân thẳng hoàn toàn. Khi khớp gối bị giảm phạm vi chuyển động, tức là nó không thể đạt được phạm vi di chuyển như bình thường vốn có.

Giảm phạm vi chuyển động khớp gối có thể xảy ra tự nhiên khi bạn già đi hoặc có thể xảy ra do một số tình trạng y tế, như:

  • Thoái hóa khớp gối
  • Viêm khớp dạng thấp ở gối
  • Nhiễm trùng khớp gối
  • Viêm các mô mềm xung quanh khớp hoặc sưng khớp
  • Trật khớp gối
  • .v.v.
Khi khớp gối bị giảm phạm vi chuyển động, tức là nó không thể đạt được phạm vi di chuyển như bình thường vốn có (Ảnh minh họa)

Sưng tấy khớp

Khi khớp gối bị đau, nó cũng có thể sưng lên. Hiện tượng sưng tấy vùng đầu gối là triệu chứng có thể quan sát và cảm nhận được một cách rõ rệt.

Sưng xuất hiện là do sự tăng chất lỏng hoạt dịch trong khớp. Trong điều kiện bình thường, bao hoạt dịch hoạt động như một lớp đệm trong khớp, giúp giảm ma sát, khiến khớp linh hoạt hơn. Tuy nhiên, trong một số điều kiện (chủ yếu là trong các bệnh lý viêm khớp, nhiễm trùng và chấn thương), dịch khớp có thể bị tiết ra nhiều hơn mức bình thường trong các bao hoạt dịch, khiến khớp đầu gối sưng lên.

Sưng tấy khớp đầu gối là một triệu chứng của các tình trạng sức khỏe sau:

  • Thoái hóa khớp
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Bệnh gút
  • Viêm khớp nhiễm khuẩn
  • Viêm khớp vảy nến
  • Trật khớp
  • Rách dây chằng, gân
  • .v.v.
Hình ảnh một bên khớp gối bị sưng to hơn bên còn lại (Ảnh minh họa)

Đỏ khớp

Đỏ khớp ám chỉ vùng da xung quanh của khớp gối bị mẩn đỏ lên, thường đi kèm với sưng tấy khớp và ấm khớp. Hiện tượng khớp bị sưng đỏ thường gặp trong các bệnh viêm khớp hoặc có thể do chấn thương khớp hoặc các cấu trúc xung quanh.

Các bệnh lý có thể gây ra triệu chứng đỏ khớp đầu gối là:

  • Viêm khớp nhiễm khuẩn
  • U xương
  • Trật khớp
  • Chấn thương gối do ngã, tai nạn, bị vật khác va vào,…
  • Rách sụn
  • U xương sụn
Hình ảnh khớp đầu gối bị sưng đỏ

Cảm thấy ấm khi chạm vào đầu gối

Đây là hiện tượng vùng da ở khớp gối nóng lên hoặc ấm hơn vùng da xung quanh khi bạn chạm vào. Triệu chứng này thường đi kèm với sưng và đỏ khớp.

Một số nguyên nhân có thể gây ra triệu chứng này là:

  • Chấn thương (gãy xương, bầm tím, chảy máu khớp)
  • Các bệnh lý viêm khớp (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, bệnh Osgood-Schlatter (viêm lồi củ trước xương chày), viêm mô tế bào,…)
  • Viêm màng hoạt dịch thể lông nốt sắc tố
  • Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính
  • Do làm phẫu thuật khớp
  • .v.v.

Có âm thanh trong khớp

Đôi khi bạn có thể nghe thấy tiếng bật, tiếng tách hay tiếng lách cách khi bạn co – duỗi thẳng đầu gối hoặc khi bạn đi bộ, lên xuống cầu thang.

Có âm thanh khi cử động khớp gối là một hiện tượng khá phổ biến. Trong hầu hết các trường hợp, đó chỉ âm thanh là sinh lý và không cần lo lắng. Nhưng nếu tiếng ồn kèm theo đau, tràn dịch, sưng tấy và bạn có tiền sử chấn thương, thì đây có thể là tiếng ồn bệnh lý. Tiếng ồn bệnh lý đặc trưng bởi tần suất cao và tăng dần.

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn tới triệu chứng này.

– Tiếng ồn sinh lý:

  • Do có các bong bóng nhỏ trong chất lỏng hoạt dịch
  • Đứt dây chằng
  • Hội chứng plica đầu gối do sinh lý
  • Sau khi phẫu thuật

– Tiếng ồn bệnh lý:

  • Thoái hóa khớp
  • Plica bệnh lý
  • Gãy xương đầu gối
Một trong các dấu hiệu có liên quan đến triệu chứng đau khớp gối là tiếng bật, tiếng tách hay tiếng lách cách khi bạn co – duỗi thẳng đầu gối (Ảnh minh họa)

Đầu gối bị biến dạng

Biến dạng đầu gối xảy ra khi 2 đầu xương ở khớp gối bị trật khỏi vị trí bình thường hoặc do một số cấu trúc nào đó của khớp bị chấn thương.

Biến dạng khớp thương xảy ra do:

  • Trật khớp đầu gối
  • Thoái hóa khớp
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Ung thư xương hoặc sụn khớp
  • Gãy xương
  • .v.v.
Hình ảnh X-quang của bệnh nhân bị trật khớp gối

Yếu cơ

Yếu cơ là tình trạng sức mạnh của một cơ hoặc một nhóm cơ bị giảm đi, dẫn đến sự mất chức năng cơ. Triệu chứng này thường biểu hiện như sau: khó thực hiện các công việc hàng ngày, đi lại; thay đổi dáng đi và dễ mất thăng bằng.

Căng cơ

Căng cơ là hiện tượng co không tự nguyện của một cơ bắp. Khi gặp một cơ co thắt mạnh không chủ ý và kéo dài, nó có thể trở thành chuột rút. Các triệu chứng của chuột rút bao gồm đau cục bộ tại vị trí chuột rút, có thể đau dữ dội; cơ bắp xung quanh co cứng lại.

Bất kỳ cơ nào cũng có thể bị chuột rút, nhưng vị trí phổ biến nhất của chuột rút là ở chân, với các cơ mặt sau của đùi (gân kheo), và mặt trước của đùi (cơ tứ đầu đùi).

Một số nguyên nhân có thể gây ra căng cơ, chuột rút là:

  • Bệnh nang backer
  • Thoái hóa khớp
  • Chấn thương gân kheo
  • Rách sụn chêm
  • Chấn thương dây chằng chéo trước hoặc sau
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)
  • .v.v.
Khi gặp một cơ co thắt mạnh không chủ ý và kéo dài, nó có thể trở thành chuột rút, khiến bạn bị đau dữ dội (Ảnh minh họa)

Sốt

Sốt là khi nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C hoặc cảm giác sốt cũng có thể xảy ra khi nhiệt độ cơ thể cao hơn mức bình thường một chút (trên 37 độ C). Sốt thường xảy ra khi phản ứng viêm kéo dài và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, dẫn đến sự gia tăng tổng thể về nhiệt độ cơ thể.

Các bệnh lý có thể gây ra đau khớp gối kèm theo sốt là:

  • Sốt thấp khớp
  • Viêm khớp dạng thấp

Mệt mỏi

Khi bị đau khớp gối kéo dài mà không được điều trị, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Làm bạn cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, thậm chí suy nhược thần kinh, trầm cảm.

Sự mệt mỏi này lại càng làm cho cơn đau của bạn trở nên tồi tệ hơn.

Nên làm gì nếu gặp triệu chứng đau khớp gối?

Triệu chứng đau khớp gối do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, một số nguyên nhân bạn có thể tự điều trị tại nhà nhưng có một số nguyên nhân cần điều trị y tế càng sớm càng tốt, để tránh các biến chứng tàn tật.

Nếu cơn đau dai dẳng, không thuyên giảm, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời (Ảnh minh họa)

Hãy lên lịch khám bác sĩ, nếu:

  • Các triệu chứng đau nhẹ không thuyên giảm sau một tuần nghỉ ngơi, chườm đá và dùng thuốc giảm đau không kê đơn
  • Sốt
  • Các cơn đau ảnh hưởng tới hoạt động thường ngày
  • Ấm, đỏ và sưng khớp
  • Cơn đau khớp cải thiện khi nghỉ ngơi
  • Cơn đau làm bạn mất ngủ hoặc thức giấc lúc nửa đêm.

Hãy cấp cứu, nếu:

  • Khớp bị biến dạng
  • Đau dữ dội
  • Sưng, đỏ khớp
  • Có vết thương lớn
  • Đau sau một chấn thương mạnh

Kết luận

Trên đây là các triệu chứng đau khớp gối thường gặp. Đây có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, mỗi bệnh lại có những biểu hiện và dấu hiệu kèm theo khác nhau. Nhưng nhìn chung, các bệnh lý về xương khớp là bệnh tiến triển theo thời gian và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nếu cơn đau dai dẳng, không thuyên giảm, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để được tư vấn về bệnh xương khớp, bạn có thể gọi tới tổng đài miễn cước 1800.1156

Cập nhật lúc: 17/01/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm »
vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

Bài Đọc Nhiều Nhất

Loading...