Thoái hóa khớp là gì? Các loại khớp dễ bị thoái hóa

Thoái hóa khớp đang là căn bệnh rất phổ biến hiện nay. Bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt và công việc của người bệnh. Vậy thoái hóa khớp là gì? Để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, bạn cần trang bị những kiến thức nào? Hãy cùng Khương Thảo Đan tìm hiểu ngay nhé.

Thoái hóa khớp là gì?

Cấu tạo của sụn khớp

Khớp có nhiều thành phần bao gồm sụn khớp, dịch khớp, gân, dây chằng, xương, cơ,… Tất cả cùng hoạt động nhịp nhàng để thực hiện tốt chức năng di chuyển.

Một khớp là nơi hai xương nối với nhau. Phần cuối của những xương này được bọc bằng mô bảo vệ gọi là sụn. Sụn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cấu tạo khớp. Sụn ​​là mô liên kết trắng trong rất dai, linh hoạt, đàn hồi tốt và mềm hơn xương, được cấu tạo bởi các tế bào sụn và chất nền. Tế bào sụn không chứa mạch máu và dây thần kinh như các loại mô liên kết khác, nó được nuôi dưỡng bởi sự thẩm thấu thụ động từ tổ chức xương dưới sụn qua lớp dịch bao quanh khớp. Vì vậy mà sụn dễ bị thoái hóa hơn các mô liên kết khác.

Trong cấu tạo sụn khớp, Collagen chiếm hơn 50% và là thành phần quan trọng của chất nền, giúp khớp linh hoạt, dẻo dai, chịu tải trọng, giảm ma sát giữa các khớp xương, ngăn chặn các biến dạng ở xương và sụn.

Sụn khớp có vai trò bao lấy các đầu xương để bảo vệ và ngăn các xương tiếp xúc trực tiếp với nhau, giúp khớp vận động dễ dàn. Sụn khớp đóng vai trò như lớp đệm bảo vệ, tránh sự cọ xát và giảm chấn động khi khớp cử động.

Vai trò của sụn khớp với sức khỏe và bệnh thoái hóa

Khi già đi sụn khớp giảm khả năng sinh sản, tái tạo tế bào sụn. Quá trình thoái hóa sụn dẫn đến chất lượng sụn sẽ kém dần, giảm tính đàn hồi và khả năng chịu lực kém, lớp sụn khớp phủ ở các đầu xương sẽ dần bị thoái hóa, trở nên xù xì và mỏng đi khiến cho khớp không thể vận hành tốt chức năng.

Khi khớp bị thoái hóa sẽ gây tổn thương tại phần sụn, lớp đệm bao 2 đầu xương đi kèm hiện tượng viêm, giảm dịch bôi trơn tại khớp khiến xương trong khớp cọ xát với nhau. Điều này dẫn đến tình trạng đau khớp, cứng khớp và các triệu chứng khác, nghiêm trọng là có thể dẫn đến teo cơ, biến dạng khớp hay tàn phế, bại liệt…

Khớp bị thoái hóa thường thay đổi về hình thái, cơ sinh học của tế bào sụn. Khi sụn bị phá vỡ, bị bào mỏng các đầu xương không được che phủ toàn bộ sẽ trở nên rỗ và sần sùi. Điều này khiến cho phần xương dưới sụn cọ xát vào nhau, bào mòn gây nên những cơn đau nhức dữ dội trong khớp và kích thích ở các mô xung quanh. Sụn ​​bị hư hỏng không thể tự sửa chữa. Điều này là do sụn không chứa bất kỳ mạch máu.

Khi sụn mòn hoàn toàn, lớp đệm mà nó cung cấp để bảo vệ xương sẽ biến mất, cho phép tiếp xúc xương với xương. Điều này có thể gây đau dữ dội và các triệu chứng khác liên quan đến viêm khớp.

Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp tên tiếng anh là Osteoarthritis (OA) hay Degenerative arthritis. Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương phần sụn khớp kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu dịch bôi trơn ở khớp. Đây là căn bệnh khớp phổ biến nhất và được mệnh danh là sát thủ gây tàn phế cho con người, thường xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi trung niên và người già.

Theo số liệu thống kê cho thấy trong các bệnh về xương khớp, thoái hóa chiếm khoảng 10,41% và đang có xu hướng tăng. Đối tượng mắc bệnh phổ biến từ 40 tuổi trở lên, những người trên 65 tuổi có tỉ lệ bị thoái hóa chiếm 60 – 90%.

Thoái hóa khớp được đặc trưng bởi các biểu hiện sau:

  • Đau, sưng và cứng khớp và tồi tệ hơn vào buổi sáng và sau thời gian không hoạt động.
  • Giảm khả năng vận động
  • Cơn đau thường bắt đầu chỉ ở một hoặc một vài khớp và thường gặp nhất ở các khớp chịu trọng lượng của hông, đầu gối và bàn chân.
  • Các triệu chứng cũng có thể xảy ra ở ngón tay, ngón chân, cổ và lưng thấp.

Các khớp dễ bị thoái hóa

Thoái hóa khớp xảy ra nhiều nhất là ở khớp cột sống (lưng, cổ), khớp gối, khớp háng, khớp chân tay… Vì thắt lưng, vai, cổ và gáy là những vị trí chịu nhiều tác động, khiến cho sụn khớp ở đây dễ bị tổn thương hơn.

Thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống thường xảy ra ở vị trí: cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Mỗi vị trí có những triệu chứng và biến chứng nguy hiểm riêng. Cụ thể:

  • Thoái hóa cột sống cổ: Thoái hóa cột sống cổ thường ở những đốt sống thấp: C5, C6 và C7 và ít gặp ở các đốt sống cao hơn. Các biểu hiện thường gặp của thoái hóa cột sống cổ: Đau vùng gáy, đôi khi đau lan đến vai và cánh tay, không thể xoay đầu hoặc uốn cong cổ, đau và cứng cổ. Đau đầu xuất phát từ cổ, có thể gây tê cánh tay, bàn tay, hoặc chân, co thắt cơ bắp. Nghiêm trọng nhất có thể khiến cho người bệnh bị mất kiểm soát bàng quang.
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng: Thoái hóa cột sống thắt lưng thường gặp ở bệnh nhân ngoài 30 tuổi, các gai xương có thể phát triển dọc theo chiều dài của cột sống. Dính cột sống là trường hợp nặng của thoái hóa cột sống thắt lưng.

Thoái hóa khớp gối

Khớp gối có vai trò gánh toàn bộ trọn lượng của cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất, do đó nó rất dễ bị thoái hóa. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên ở người trên 45 tuổi, có thể xảy ra ngay cả ở những người trẻ tuổi. Thoái hóa khớp gối là hiện tượng xảy ra những thương tổn trước hết trên bề mặt sụn khớp.

Ở khớp gối, đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày, và mặt sau của xương bánh chè, được che phủ bởi sụn khớp. Vận động của khớp được trượt trên bề mặt của các sụn này. Theo thời gian, khi sụn khớp bị bào mòn, mất tính đàn hồi sẽ không bảo vệ được đầu xương. Sau đó xảy ra những biến đổi ở bề mặt khớp, tăng sự lắng đọng canxi hình thành các gai xương, cuối cùng dẫn đến các biến dạng khớp, làm hư khớp.

Các dấu hiệu của thoái hóa khớp gối bao gồm: Đau âm ỉ, tăng lên khi hoạt động, giảm đau về đêm và khi nghỉ ngơi, sưng khớp đầu gối, khó di chuyển lên xuống cầu thang, ô tô, khi vận động sẽ nghe tiếng lục khục ở đầu gối…

Thoái hóa khớp háng

Khớp háng là phần được bao phủ bởi sụn khớp trơn láng và đàn hồi, phần sụn khớp giúp cho hai đầu xương trượt lên nhau và dễ dàng di chuyển. Nhưng do quá trình lão hóa tự nhiên và tác động cơ học khiến cho khiến sụn khớp và xương dưới sụn tổn thương, lâu dần mất đi chức năng và dẫn đến thoái hóa khớp háng.

Người bệnh bị thoái hóa khớp háng thường bị đau đớn kéo dài, thường đau ở háng, lưng hoặc đùi… Thoái hóa khớp háng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống vì thoái hóa khớp làm cho cấu trúc khớp bị biến đổi và thậm chí dẫn đến tình trạng tàn phế. Vì vậy, khi xuất hiện những biểu hiện của bệnh bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm triệu chứng đau đớn, giảm nguy cơ tàn phế.

Thoái hóa khớp ngón tay

Các đốt ở đầu ngón tay và khớp cuối cùng của ngón tay là các khớp dễ bị thoái hóa hơn các khớp khác. Đốt đầu ngón tay cứng thành xương (do sự hình thành các gai xương), ngón tay sưng phồng lên ở các đốt, bàn tay có hình dạng giống như bàn tay ở người già. Đốt ngón cái thường sưng phù lên do xương mọc ra, đây cũng là vị trí sưng nhiều nhất trong thoái hóa khớp bàn tay.

Tóm lại, thoái hóa khớp ở bất kỳ vị trí nào cũng đều có dấu hiệu như đau khớp (tại vị trí tương ứng với khớp bị thoái hóa), sưng khớp, tiếng lục khục trong khớp khi vận động, cứng khớp. Vậy nên, khi có biểu hiện của bệnh bạn cần đi khám để có phương hướng điều trị kịp thời tránh những hệ lụy về sau.

Nguyên nhân thoái hóa khớp

  • Tuổi tác: Thoái hóa khớp là do tổn thương khớp. Những tổn thương này có thể tích lũy theo thời gian, đó là lý do tại sao tuổi tác là một trong những nguyên nhân chính gây ra tổn thương khớp dẫn đến thoái hóa khớp. Bệnh thường gặp nhất ở những người độ tuổi sau 40, càng về sau 40 tuổi thì càng dễ mắc bệnh thoái hóa khớp. Do ở độ tuổi này, sự sinh sản và tái tạo của tế bào sụn ngày càng giảm. Đây còn được gọi là sự lão hóa tự nhiên, tuổi tác càng cao, chất lượng sụn và khớp xương càng bị tổn hại do lão hóa. Cơ thể lão hóa nên các chức năng xương khớp cũng bị thoái hóa theo.
  • Vận động sai: vận động quá sức, vận động khớp sai tư thế thường xuyên, có tiền sử phẫu thuật bệnh cơ xương khớp, các chấn thương về xương khớp mà không được điều trị dứt điểm…. cũng là nguyên nhân dẫn tới thoái hóa khớp.
  • Béo phì: Các khớp ở người béo phì đặc biệt là khớp gối rất dễ bị tổn thương và thoái hóa. Khớp của những người thừa cân thường bị đặt áp lực lên nhiều hơn so với người bình thường. Cân nặng lớn có thể phá hủy sụn khớp và gây ra thoái hóa khớp nghiêm trọng.
  • Dị tật bẩm sinh: người bẩm sinh sinh có khớp bất thường thì dễ mắc bệnh, mắc bệnh sớm và nghiêm trọng hơn người khác. Các dị dạng bẩm sinh khiến cho xương khớp và cột sống phải chịu áp lực lớn, thời gian càng dài thì càng dễ mắc bệnh thoái hóa khớp.

► Xem chi tiết: Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp

Biến chứng của thoái hóa khớp

 

Thoái hóa khớp là một căn bệnh nguy hiểm. Một vài số liệu từ các nghiên cứu chỉ ra rằng: Có đến 80% bệnh nhân thoái hóa khớp gặp khó khăn trong một vài động tác cử động, 25% bệnh nhân mất khả năng cử động và không thể thực hiện các sinh hoạt cá nhân. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp nhiều biến chứng khác nếu không được điều trị kịp thời như:

  • Suy nhược cơ thể: Những cơn đau nhức và các triệu chứng kéo dài khác của bệnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt là những cơn đau về đêm khiến người bệnh mất ăn mất ngủ gây suy nhược cơ thể. Người bệnh luôn trong trạng thái lo âu, mất tập trung và lâu ngày có thể dẫn đến trầm cảm.
  • Biến dạng khớp làm giảm hoặc mất khả năng vận động: Khớp biến dạng cong vẹo, sưng to, mọc gai xương, lệch trục gây khó khăn cho việc đi lại, các vận động thường ngày.
  • Teo cơ, tê bì: Hiện tượng teo cơ vùng cạnh khớp, tay, chân bị tê bì khiến cho người bệnh mất khả năng co duỗi, đi đứng, cầm nắm vật không chắc chắn.
  • Bại liệt, tàn phế: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất với người bị thoái hóa khớp. Biến chứng tàn phế, liệt vĩnh viễn kèm theo đó là những tổn thương đến rễ dây thần kinh, tủy vô cùng nguy hiểm.

Biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho người bệnh nếu không được điều trị kip thời. Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp ngay từ khi còn trẻ để tránh những hệ lụy nguy hiểm khi về già. Một số lưu ý giúp phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp có thể kể đến như:

  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp để giảm sức ép đến các khớp
  • Chịu khó vận động, tập thể dục thể thao không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp, cơ bắp khỏe mạnh
  • Giữ tư thế cơ thể luôn thẳng giúp bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối. Khi đó sẽ có sự cân bằng lực giữa các dây chằng và cơ bắp quanh khớp, giúp giảm bớt nhiều nhất lực đè ép lên hai mặt sụn khớp.
  • Sử dụng các khớp lớn khi mang vác đồ nặng để tránh làm tổn thương các khớp nhỏ như cổ tay, cổ chân, bàn tay, bàn chân.
  • Giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tránh mệt mỏi, căng thẳng, không làm việc quá sức và làm động tác lặp đi lặp lại quá lâu
  • Thường xuyên thay đổi tư thế, tránh nằm lâu, ngồi lâu, đứng lâu một chỗ vì sẽ làm ứ trệ tuần hoàn và gây cứng khớp. Vận động thường xuyên giúp các khớp linh hoạt hơn
  • Lắng nghe cơ thể khi có những dấu hiệu bất trắc cần đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và thay đổi phù hợp tránh những đau đớn do khớp gây ra.

Hy vọng qua bài viết này bạn đã nắm rõ thoái hóa khớp là gì, cùng như có thật nhiều kiến thức liên quan và chuyên sâu về căn bệnh thoái hóa khớp khó chữa này.

*** Bài viết có sự cố vấn của PGS. TS Lê Minh Hà, hiện nay đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam.

Cập nhật lúc: 17/01/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm »
vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

Bài Đọc Nhiều Nhất

Loading...