Triệu chứng đau nhức xương khớp thường gặp

Theo thời gian, nhiều người thấy mình thường xuyên gặp các cơn đau nhức xương khớp. Đôi lúc là bàn tay, đôi lúc ở đầu gối hay vai, điều này khiến họ khó cử động và thậm chí khớp xương còn có thể sưng lên. Đây liệu có phải là dấu hiệu của một căn bệnh nguy hiểm?

Tổng quan hiện tượng đau nhức xương khớp

Đau nhức xương khớp là triệu chứng phổ biến nhất của hầu hết các rối loạn cơ xương khớp, hơn 200 loại bệnh xương khớp cùng các điều kiện liên quan có triệu chứng là đau nhức các khớp xương.

Khi bị đau khớp xương, bạn sẽ cảm thấy cơn đau sâu, âm ỉ, có thể đau cục bộ (tại một chỗ) hoặc đau lan tỏa; mức độ đau từ nhẹ đến nặng; từ cấp tính đến mãn tính; có thể đau một cách đột ngột hoặc đau trong một thời gian dài; các cơn đau nhức xương khớp đôi khi có thể đến từ các cấu trúc bên ngoài khớp, chẳng hạn như dây chằng, gân hoặc cơ bắp.

Đau nhức xương khớp có thể gặp phải tại một khớp hoặc cũng có thể bị đau các khớp xương toàn thân.

Đau khớp thường xuất hiện ở độ tuổi trên 45, 50. Tuy nhiên, nó cũng có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt là những người trẻ ít vận động, ngồi nhiều, ngồi sai tư thế,…x

Đau nhức xương khớp là bệnh gì?

Đau nhức xương khớp là triệu chứng của nhiều bệnh xương khớp khác nhau, người bệnh có thể đau một khớp hoặc đau nhiều khớp. Trong đó:

Đau một khớp

Bệnh gút thường bắt đầu ở khớp gốc ngón chân cái (Ảnh minh họa)

Phổ biến là bệnh:

  • Viêm niêm mạc khớp
  • Gout hoặc giả gout
  • Nhuyễn sụn xương bánh chè
  • Xuất huyết khớp
  • Thoái hóa khớp
  • Thoát vị đĩa đệm
  • Vôi hóa cột sống
  • Trật khớp

Ít phổ biến hơn:

Hoại tử vô mạch (Ảnh minh họa)
  • Gãy xương
  • Viêm khớp phản ứng
  • Viêm khớp vẩy nến
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Lao xương
  • Bệnh Osgood-Schlatter (bệnh viêm)

Hiếm khi, nguyên nhân có thể là:

  • Viêm khớp nhiễm trùng
  • Bệnh tan máu
  • Nhiễm trùng nhiệt đới
  • Ung thư
  • Hoại tử vô mạch
  • Trật khớp nhiều lần

Viêm niêm mạc khớp. Nếu gần đây bạn bị chấn thương và khớp đột nhiên đau trở lại, rất có thể lớp mô mỏng lót khớp và gân đã bị viêm. Tình trạng này được gọi là viêm màng hoạt dịch do chấn thương. Viêm niêm mạc khớp gây đau khớp nhưng thường không gây đỏ hay nóng.

Gout hoặc giả gout. Nếu bạn bị đau khớp và da trên khớp nóng, đỏ, cơn đau xuất hiện nhiều lần, nguyên nhân có thể là do bệnh gút hoặc giả gút (pseudogout).

Gút là một bệnh xương khớp có liên quan tới axit uric dư thừa. Khi bạn có nồng độ axit uric trong máu cao, tinh thể urate (hay còn gọi là muối urat kết tủa) sẽ hình thành và tích tụ trong khớp của bạn, gây ra tình trạng viêm và đau dữ dội. Nó được đặc trưng bởi các cơn đau đột ngột, dữ dội, sưng, đỏ và đau ở một hay nhiều khớp, thường gặp là khớp ở gốc ngón chân cái.

Pseudogout tương tự như bệnh gút, nhưng thường ảnh hưởng đến khớp gối trước.

Nhuyễn sụn xương bánh chè. Nếu bạn bị đau khớp gối và cảm thấy không có vết đỏ hay đầu gối bị nóng, nhưng lại cảm thấy tồi tệ hơn khi bạn đi lên hoặc đi xuống cầu thang, đây có thể là dấu hiệu của việc xương bánh chè đã bị hư hỏng. Hiện tượng này được gọi là nhuyễn sụn xương bánh chè (chondromalacia patellae)

Xuất huyết khớp. Nếu gần đây bạn bị chấn thương, chẳng hạn như dây chằng bị rách hoặc gãy đầu gối, điều này có thể gây chảy máu vào không gian khớp, còn gọi là xuất huyết khớp.

Thoái hóa khớp là hiện tượng hư tổn của sụn khớp và đĩa đệm (Ảnh minh họa)

Thoái hóa khớp. Là hiện tượng hư tổn của sụn khớp và đĩa đệm, kèm theo đó là phản ứng viêm và giảm dịch nhày bôi trơn giữa các khớp, khiến khớp bị khô, đau nhức. Bệnh thường xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên của con người, hay gặp ở những người trên 40 tuổi, nhất là sau tuổi 60.

Thoái hóa khớp thường gặp ở khớp gối, háng, cổ, lưng, cột sống. Bệnh thoái hóa khớp gây đau khu trú ở đoạn khớp bị thoái hóa chứ ít lan rộng, chỉ khi bị chèn ép lên dây thần kinh mới làm lan rộng cơn đau. Các cơn đau thường xuất hiện nhiều vào buổi chiều, giảm đau về đêm và sáng sớm.

Thoát vị đĩa đệm. Đĩa đệm là những đệm giống như cao su nằm giữa hai đốt sống, bên trong đĩa đệm có chứa các nhân keo gelatin, còn gọi là nhân nhầy. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng các nhân nhầy thoát ra khỏi vị trí bình thường của chúng, chèn ép vào các dây thần kinh cột sống gây đau nhức, co thắt lưng hông. Trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến đau, tê hoặc yếu ở các chi.

Vôi hóa cột sống. Bệnh vôi hóa cột sống xảy ra khi các dây chằng bám vào thân đốt sống hay các mấu gai, mấu ngang của cột sống bị lắng tụ muối canxi, khiến chúng dày lên và cứng lại.

Vôi hóa cột sống là kết quả của lão hóa tự nhiên, kèm theo các yếu tố thúc đẩy như viêm, nhiễm trùng hoặc dây chằng cột sống bị quá tải,…

Căn bệnh này phổ biến nhất ở tuổi trên 50. Tuy nhiên, nó có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi sinh ra bị hẹp ống sống hoặc bị chấn thương cột sống.

Trật khớp. Trật khớp là hiện tượng các mặt khớp hoặc các đầu xương đột ngột bị di lệch khỏi vị trí bình thường của ổ khớp. Đây thường là hậu quả của những chấn thương nặng, kèm theo tình trạng tổn thương nặn của dây chằng, bao khớp và các cấu trúc xung quanh. Trật khớp phổ biến nhất ở vai và ngón tay.

Khi được điều trị đúng cách, sau vài tuần nghỉ ngơi và phục hồi chức năng, hầu hết các khớp đều trở lại chức năng bình thường. Tuy nhiên, một số khớp như khớp vai, có thể sẽ bị trật khớp lặp lại.

Gãy xương. Là hiện tượng cấu trúc bên trong xương bị phá hủy đột ngột, làm xương bị mất tính liên tục, nguyên nhân có thể do chấn thương hoặc bệnh lý.

Gãy xương gây đau nhức trong xương, xương biến dạng, sưng và bầm tím,… (Ảnh minh họa)

Viêm khớp phản ứng. Thường phát triển sau khi bị nhiễm trùng và có xu hướng ảnh hưởng đến người trẻ tuổi

Viêm khớp vẩy nến. Là một dạng viêm khớp xuất hiện ở những người bị bệnh vảy nến. Khoảng 10-30% bệnh nhân bị vảy nến sẽ mắc viêm khớp vảy nến.

Đau khớp, cứng khớp và sưng là những dấu hiệu và triệu chứng chính của viêm khớp vẩy nến, các cơn đau có thể dao động từ tương đối nhẹ đến nặng. Chúng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể bạn, bao gồm cả đầu ngón tay và cột sống,…

Viêm khớp dạng thấp. Là một rối loạn mãn tính có thể bắt đầu chỉ trong một khớp, với các cơn đau xuất hiện không liên tục. Ở một số người, tình trạng này còn làm tổn thương tới cả hệ thống cơ thể, bao gồm da, mắt, phổi, tim, mạch máu,…

Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn, tấn công nhầm vào các mô của chính cơ thể bạn. Không giống như tổn thương hao mòn của viêm xương khớp, thấp khớp ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau cuối cùng có thể dẫn đến xói mòn xương và biến dạng khớp.

Đây là bệnh lý mà biểu hiện rõ rệt nhất là sưng, đau khớp, xuất hiện cứng khớp vào buổi sáng và thường đau đối xứng hai bên. Ngoài ra bệnh còn gây ra các triệu chứng mệt mỏi kéo dài, người xanh xao, sút cân và hạn chế khả năng di chuyển của người bệnh.

Bệnh lao xương. Lao xương xảy ra khi bạn mắc bệnh lao và nó lan ra ngoài phổi.

Lao là một bệnh cực kỳ dễ lây nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Lao chủ yếu ảnh hưởng đến phổi, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Khi bệnh lao lan rộng, nó được gọi là bệnh lao ngoài phổi (extrapulmonary tuberculosis, viết tắt EPTB). Một dạng của EPTB là bệnh lao xương và khớp.

Cột sống thường là nơi bị ảnh hưởng nhất khi lao phổi lan ra ngoài, tuy nhiên nó cũng có thể ảnh hưởng tới bất kì xương nào trong cơ thể của bạn.

Bệnh Osgood-Schlatter. Là tình trạng xương bị đau đớn trong thời kì khớp gối đang phát triển mạnh. Cơn đau xuất hiện chủ yếu ở xương lồi nằm ngay dưới xương bánh chè.

Đau nhiều khớp

Đau thần kinh tọa là các cơn đau dọc theo lộ trình của thần kinh tọa (Ảnh minh họa)

Phổ biến là bệnh:

  • Viêm khớp dạng thấp (đã nói ở phía trên)
  • Viêm khớp vảy nến (đã nói ở phần trên)
  • Bệnh gút (đã nói ở trên)
  • Đau thần kinh tọa
  • Loãng xương

Ít phổ biến hơn, có thể là bệnh:

  • Viêm khớp nhiễm khuẩn
  • Các loại viêm khớp ít gặp: viêm cột sống dính khớp, viêm khớp tuổi thiếu niên, viêm khớp phản ứng
  • Hội chứng Behcet
  • Hội chứng Henoch-Scholein
  • Ung thư xương
  • Bệnh xương khớp phì đại tổn thương phổi (hội chứng Pierre Marie)
  • Bệnh lyme

Đau thần kinh tọa. Là các cơn đau dọc theo lộ trình của thần kinh tọa (hay còn gọi là dây hông to) và các nhánh của nó. Đau thần kinh tọa bắt nguồn từ lưng dưới, tỏa sâu vào mông và đi xuống mỗi chân.

Những người bị đau thần kinh tọa nghiêm trọng có thể dẫn đến yếu chân hoặc thay đổi ruột, bàng quang.

Loãng xương. Loãng xương là hiện tượng mật độ chất trong xương giảm dần, khiến xương giòn hơn, dễ bị gãy và tổn thương hơn bình thường. Hay nói cách khác loãng xương là hậu quả của sự phá vỡ cân bằng bình thường của 2 quá trình tạo xương và hủy xương trong cơ thể người, quá trình tạo xương suy giảm trong khi quá trình hủy xương vẫn diễn ra bình thường.

Loãng xương có thể xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng nó phổ biến hơn ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ.

Viêm khớp nhiễm khuẩn. Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào bên trong khớp, khiến khớp đau đớn và sưng tấy. Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể diễn ra ở một hoặc nhiều khớp. Những khớp dễ bị nhiễm khuẩn là khớp gối, khớp cổ tay, khớp vai, khớp hông, khuỷu tauy, khớp mắt cá chân.

Viêm cột sống dính khớp đặc trưng bởi tình trạng đau và tổn thương ở nhiều khớp, dẫn tới việc khó cử động làm gù, vẹo, tàn phế (Ảnh minh họa)

Viêm cột sống dính khớp. Đây là bệnh lý mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng đau và tổn thương ở nhiều khớp khác nhau: khớp cùng chậu, khớp cột sống và các khớp chân. Bệnh khiến một số đốt cột sốn dính lại với nhau, dẫn tới việc khó cử động làm gù, vẹo, tàn phế.

Viêm khớp tuổi thiếu niên. Là một bệnh lý mạn tính, thường khởi phát ở trẻ từ 6 tháng tuổi tới 16 tuổi, nguyên nhân không rõ ràng. Hiện tượng này còn được gọi là viêm khớp vô căn ở tuổi thiếu niên (vô văn là một từ y khoa để mô tả một căn bệnh không rõ nguyên nhân).

Hội chứng Behcet. Là một bệnh viêm tự miễn ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể, như: cơ quan nội tạng, cơ xương khớp, thần kinh.

Hội chứng Henoch-Scholein. Một tình trạng hiếm gặp, thường thấy ở trẻ em, khiến các mạch máu bị viêm

Ung thư xương. Là bệnh hiếm gặp, xảy ra do khối u ác tính hình thành trong xương. Ung thư xương chủ yếu xuất hiện ở xương chày, xương đùi, đầu trên xương cánh tay và đầu dưới xương quay.

Bệnh xương khớp phì đại tổn thương phổi (hội chứng Pierre Marie). Một rối loạn hiếm gặp ở những người bị ung thư phổi khiến các khớp đau sưng, đặc biệt là các khớp bàn tay.

Bệnh lyme. Là một bệnh gây ra do bọ ve đốt, đặc trưng bởi các thương tổn ở da, hệ thần kinh, tim và khớp. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra viêm khớp mãn tính (đặc biệt là khớp gối), khiếm khuyết nhận thức, liệt mặt, thần kinh,….

Bệnh đau xương khớp có nguy hiểm không?

Tùy thuộc vào điều kiện mà bạn gặp phải, hiện tượng đau nhức xương khớp có thể nguy hiểm hoặc không. Vì thế lời khuyên của chúng tôi là bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám cụ thể (Ảnh minh họa)

Đau nhức các khớp xương liên quan tới nhiều điều kiện khác nhau, bao gồm cả các vấn đề liên quan tới bệnh lý và không bệnh lý. Tùy thuộc vào từng điều kiện mà bạn gặp phải, bệnh có thể nguy hiểm hoặc không.

Vì thế, lời khuyên của chúng tôi dành cho hiện tượng đau nhức xương khớp là:

  • Nếu bạn bị đau khớp nhẹ đến trung bình, bạn nên đặt lịch hẹn với bác sĩ để được chẩn đoán sớm tình trạng của bản thân;
  • Nếu bạn bị chấn thương gây đau khớp, đặc biệt là nếu gặp cơn đau dữ dội, đi kèm với sưng khớp đột ngột, khớp bị biến dạng, bạn nên lặp tức tìm kiếm sự chăm sóc y tế;
  • Nếu không thể di chuyển khớp, bạn cũng nên tới gặp bác sĩ sớm.

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ thực hiện các bài kiểm tra và hỏi bạn những câu hỏi liên quan tới chứng đau nhức khớp xương của bạn, như: mức độ đau, khởi phát thế nào, các triệu chứn thay đổi theo thời gian ra sao, điều gì làm tăng hoặc giảm đau (ví dụ, nghỉ ngơi hay di chuyển hoặc thời gian trong ngày khi các triệu chứng xấu đi hoặc giảm dần).

Sau đó bác sĩ sẽ làm các bài kiểm tra thể chất, như: kiểm tra tất cả các khớp xem có sưng, đỏ, nóng, đau và có tiếng ồn khi khớp di chuyển không (việc kiểm tra này giúp xác định cấu trúc nào gây đau và tình trạng viêm); họ cũng kiểm tra mắt, miệng, mũi và vùng sinh dục xem có vết loét hay các dấu hiệu viêm khác không; kiểm tra phát ban da, các hạch bạch huyết, chức năng hệ thần kinh,…

Song song với đó, bác sĩ có thể chụp X-quang khớp để xác định các tổn thương hoặc/và làm các xét nghiệm cần thiết, như: xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch khớp, tốc độ máu lắng,…

Điều trị đau xương khớp

Sau khi chẩn đoán và đánh giá tình trạng bệnh của bạn, lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân của cơn đau khớp. Về cơ bản, có thể điều trị bằng các phương pháp tiêu biểu dưới đây.

Đối với nguyên nhân bệnh lý

Thuốc giúp giảm đau nhức khớp, chống viêm nhưng gây nhiều tác dụng phụ (Ảnh minh họa)

Sử dụng thuốc Tây. Giúp giảm đau, chống viêm. Nhưng về lâu dài, chúng có thể gây ra tình trạng nhờn thuốc, phụ thuộc vào thuốc. Vì thế người bệnh cần có chỉ định từ bác sĩ nếu sử dụng phương pháp này.

Sử dụng thuốc Đông y. Là cách chữa bệnh xương khớp từ các thảo dược tự nhiên. Ưu điểm của phương pháp này là chúng lành tính nhưng thời gian hiệu quả thường lâu, cần kiên trì.

Vật lý trị liệu. Nên thực hiện song song cùng với các phương pháp điều trị đau nhức toàn thân khác. Những bài tập này nên cần sự hỗ trợ của kỹ thuật viên hoặc bạn cũng có thể thực hiện ngay tại nhà.

Thay đổi lối sống. Ví dụ giảm cân, tập thể dục thể thao, bỏ thuốc lá,…

Phẫu thuật. Là giải pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho các bệnh lý xương khớp. Tất cả các phẫu thuật, dù nhỏ cũng có thể gây ra biến chứng, như: đau, máu tụ trong khớp, nhiễm trùng, cứng khớp, loạn dưỡng thần kinh. Và không phải cuộc phẫu thuật nào cũng mang lại kết quả được như mong muốn.

Đối với đau khớp do chấn thương

Phẫu thuật là giải pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho các bệnh lý xương khớp (Ảnh minh họa)

Uống thuốc chống viêm. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): như Advil, Aleve, Lodine, Celebrex hoặc một loại thuốc khác.

Tiêm thuốc. Tiêm cortisone hoặc các chất Hylamers

Tập thể dục cương độ thấp. Giúp bạn duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý và giúp xương khỏe mạnh hơn, ngoài ra, thể dục thể thao cũng mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe khác.

Thay đổi lối sống. Ví dụ như: giảm cân nếu bạn đang bị thừa câ.

Phẫu thuật. Được thực hiện nếu các biện pháp phía trên không mang lại hiệu quả.

Nên làm

Không có gì ngạc nhiên khi đau nhức cơ xương khớp ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng của bạn. Nếu các hoạt động hàng ngày làm bạn đau, bạn nhất định cảm thấy nản lòng. Đặc biệt nếu để những cảm giác tiêu cực này leo thang, bạn sẽ liên tục cảm thấy sợ hãi, vô vọng và tình trạng bệnh của bạn có thể khó kiểm soát hơn.

Hãy luôn giữ một tinh thần lạc quan và tin tưởng vào bản thân (Ảnh minh họa)

Vì thế, hãy học cách kiểm soát tâm trạng của bản thân.

Để làm được điều này, bạn có thể thực hiện một số kỹ thuật như:

  • Liệu pháp thư giãn. Thiền, tập yoga, hít thở sâu, nghe nhạc, hòa mình vào thiên nhiên, viết nhật ký, tâm sự với người thân, làm bất cứ điều gì giúp bạn thư giãn.
  • Trị liệu hành vi nhận thức. Được thực hiện cùng bác sĩ tâm lý.
  • Châm cứu. Nhiều bệnh nhân cảm thấy các cơn đau khớp của họ giảm thông qua các phương pháp điều trị châm cứu. Bạn có thể thử liệu pháp này tại các trung tâm y học cổ truyền uy tín.
  • Phương pháp nhiệt. Nhiệt nóng cho đau khớp, áp các miếng nhiệt ấm vào vùng khớp bị đau, hoặc ngâm khớp trong sáp paraffin ấm, việc này có thể giúp giảm đau tạm thời. Lưu ý: sử dụng miếng đệm nóng không quá 20 phút một lần. Nhiệt lạnh để giảm đau cơ, giảm viêm sau tập thể dục.
  • Mát-xa. Mát-xa có thể cải thiện đau và cứng khớp tạm thời.

Nên tránh

Nếu gặp các vấn đề về đau nhức xương khớp, bạn nên tránh các hoạt động cường độ cao và chuyển động lặp đi lặp lại, chẳng hạn như:

  • Chạy
  • Nhảy
  • Quần vợt
  • Thể dục nhịp điệu
  • Lặp đi lặp lại cùng một động tác, chẳng hạn như giao bóng tennis
  • .v.v.

Bạn cũng nên tránh việc hút thuốc. Nhiều bệnh nhân tìm đến thuốc lá như một công cụ đối phó cảm xúc, nhưng đây lại là một phương pháp phản tác dụng, bởi chất độc trong khói thuốc gây nhiều tác động không tốt tới mô liên kết, làm các vấn đề về đau xương khớp trở nên tồi tệ hơn.

Xem thêm: Mẹo chữa đau nhức xương khớp tại nhà an toàn, hiệu quả

Chế độ dinh dưỡng phòng ngừa bệnh đau xương khớp

Để phòng ngừa đau nhức xương khớp, mỗi người cũng đều phải tự ý thức và xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng cân đối, khoa học và hợp lý. Cụ thể là nên tăng cường các loại thực phẩm:

  • Bơ: bơ có nhiều vitamin B3 giúp cải thiện tình trạng viêm và cứng khớp.
  • Trà xanh: trà xanh chứa hoạt chất EGC, ức chế tình trạng oxi hóa và các enzym có hại dẫn đến lão hóa xương.
  • Đậu nành: đậu nành nhiều chất chống oxi hóa, chất xơ và giàu protein, không chỉ tốt cho cơ thể mà còn rất tốt cho xương khớp.
  • Cá nước lạnh, nước hầm xương, một số loại sữa và sản phẩm từ sữa.

Xem thêm: Người bị đau nhức xương khớp nên và không nên ăn gì?

Kết luận

Đau nhức xương khớp ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên đừng quá bi quan, dù tình trạng của bạn là gì, bạn cũng sẽ dễ dàng vượt qua nỗi đau nếu:

  • Tìm hiểu các kiến thức đúng đắn liên quan tới vấn đề của mình;
  • Thông báo tình hình với bác sĩ, bạn bè và gia đình;
  • Luôn lạc quan và giữ tình thần tốt.

Để được tư vấn thêm về bệnh đau nhức xương khớp, bạn có thể gọi tới số điện thoại miễn cước 1800 1156 để gặp các chuyên gia.

*** Bài viết có sự cố vấn của PGS. TS Lê Minh Hà, hiện nay đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam.

Cập nhật lúc: 17/01/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm »
vien-xuong-khop-khuong-thao-dan.jpg

Bài Đọc Nhiều Nhất

Loading...